Theo trang The Guardian (Anh), mùa đông đang đến rất gần ở Gaza. Mưa bão và gió mạnh đã quét qua các dải đất ven biển, tàn phá những những chiếc lều tạm bợ vốn là nơi trú ẩn của nhiều người Palestine ở Gaza, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng khiến 1,8 triệu người phải sơ tán.
Khi mùa đông kéo đến, tình hình vốn đã thảm khốc ở Gaza sẽ càng trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều phụ nữ phải sinh con trong những chiếc lều không đảm bảo vệ sinh. Khói từ việc đốt củi sưởi ấm làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, nhiều người cần thuốc tìm đến hàng chục hiệu thuốc nhưng không thể mua được.
Ông Mahmud Abu Rayan, người sơ tán từ thị trấn phía bắc Beit Lahia đến Rafah, cho biết: “Trời lạnh và lều thì nhỏ quá. Tất cả những gì tôi có là bộ quần áo đang mặc trên người. Tôi vẫn chưa biết bước tiếp theo sẽ là gì”.
Cô Soad Qarmoot, một phụ nữ Palestine cũng bị buộc phải rời Beit Lahia chia sẻ: “Chúng tôi chẳng thấy điều gì tốt đẹp ở đây cả. Chúng tôi đang sống ở đây trong cái lạnh khắc nghiệt. Không có nhà vệ sinh. Tôi là một bệnh nhân ung thư. Tôi không có đệm để ngủ. Tôi đang ngủ trên cát. Trời lạnh cóng”.
Những người Palestine sơ tán đến Rafah trong những ngày gần đây cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự: mưa bão ập đến, thời tiết lạnh hơn, tình trạng đông đúc và điều kiện vệ sinh thiếu thốn, không đủ lương thực và nơi trú ẩn.
Trong khi đó, theo dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ, các bệnh truyền nhiễm đang gia tăng đáng báo động. Nhiều người bị tiêu chảy ra máu, nhiễm trùng đường hô hấp, vàng da, viêm gan A và viêm màng não.
Hơn nữa, tình trạng thiếu thuốc kháng sinh còn gây ra nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng sau phẫu thuật ở những người bị thương. Còn những người mắc bệnh mãn tính, không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và thuốc men và nếu tử vong, họ thường không được ghi nhận là nạn nhân của chiến tranh.
Mẹ của bà Ramzy S đã sơ tán từ phía bắc Gaza đến Rafah là một trong những trường hợp đó. Bà Ramzy kể: “Mẹ tôi qua đời vào tuần trước. Bà bị cao huyết áp và tiểu đường. Chúng tôi đang sống trong điều kiện tồi tệ tại nơi trú ẩn ở Rafah. Chúng tôi ở trong lều, thiếu những thứ cơ bản nhất mà chúng tôi cần và mọi thứ đều khó có được”.
“Người già không chịu đựng được điều kiện thời tiết này. Các bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh thông thường. Ngay cả những người bị thương cũng phải nằm trong sân bệnh viện vì tất cả giường bệnh đều kín chỗ. Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc chôn cất người thân ở ngoài khu vực hoặc thị trấn của chúng tôi”, bà nói thêm.
Ông Léo Cans, chuyên gia y tế của Médecins Sans Frontières, cho biết: “Điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Người dân quá đông đúc, thiếu nước sạch và nguồn nước có sẵn lại không đảm bảo. Bởi vì mọi người đang tiết kiệm nước nên họ giặt giũ ít hơn. Đó là một công thức hoàn hảo cho các bệnh truyền nhiễm lây lan. Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện có chỉ tập trung vào việc cứu sống người bị thương”.
Trong bối cảnh đó, mối lo ngại dịch bệnh bùng phát ngày càng tăng lên. Hồi tuần trước, ông Margaret Harris, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết người dân đã chứng kiến những đợt bùng phát dịch bệnh rất đáng lo ngại, chẳng hạn đợt bùng phát bệnh vàng da có thể do viêm gan A đang lây lan khắp mọi nơi.
“Nguyên nhân là do nước bẩn, thiếu dịch vụ xử lý nước thải, tình trạng quá tải. Nhưng chúng tôi thực sự không thể xét nghiệm để biết liệu đó có phải là bệnh viêm gan A hay không vì phòng thí nghiệm mà chúng tôi thường sử dụng nằm ở Bệnh viện al-Shifa đang không hoạt động. Mọi người thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn và virus của người khác. Chúng tôi đang chứng kiến một số lượng lớn người dân ở Gaza mắc bệnh tiêu chảy”, ông nói.
Bà Hanin Wishah, người quản lý dự án Action Aid tại Bệnh viện al-Awda đang bị bao vây ở phía bắc Gaza, đã đến Rafah từ đầu cuộc chiến. Bà mô tả tình hình ở Gaza giống như trở lại thời kỳ chưa có thuốc kháng sinh, vì nguồn kháng sinh đã giảm xuống gần như không còn gì.
“Bệnh viêm gan đang lây lan mạnh mẽ ở những người sơ tán vì những nơi trú ẩn không đủ chỗ cho hàng nghìn người. Còn hàng ngàn người nữa phải ngủ trên đường phố không nơi trú ẩn. Tình trạng này thực sự điên rồ”, bà nói.
Trong khi đó, Israel cho biết lực lượng này đang lên kế hoạch tiếp tục chiến dịch tấn công đến cuối tháng 1/2024. Mùa đông sắp đến khiến nhiều người đang trong tình trạng vốn đã tuyệt vọng càng cùng cực hơn.
“Ôi Chúa ơi, mùa đông! Nếu không chết vì bom đạn thì mọi người sẽ chết trên đường phố. Tất cả chúng tôi đều đang cầu nguyện cho mùa đông ngừng lại một cách thần kỳ. Thật kinh khủng nếu mưa và bão ập đến. Khi trời mưa người dân sẽ chết”, ông Hanin nói.
Abu, người đang sống trong chiếc lều tại một nhà kho của Liên hợp quốc, cho biết: “Hôm qua chúng tôi ướt như chuột lột vì mưa. Những chiếc lều tạm dựng thô sơ bằng ni-lon và gỗ không thể che chắn cho bất cứ ai. Người dân không thể chống chọi với mưa lớn và gió lạnh”.
Vấn đề khác là dịch bệnh lây lan, cụ thể là bệnh tiêu chảy. Nhiều người cố gắng mua thuốc cho con cái nhưng ở không thể tìm được. Đó thực sự là một thảm họa, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai.
Và vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều người sơ tán về phía nam trong những tuần đầu cuộc tấn công chỉ mang theo quần áo mùa hè giữa mùa thu ấm áp trái mùa. Thiếu quần áo mùa đông, chăn và thậm chí cả nệm để ngủ, họ dễ bị tổn thương gấp đôi.
Trong tin nhắn thoại khác, Rana, người đang sống trong lều cùng các con nhỏ, đã mô tả một cơn bão gần đây. Cô cho biết những người phải sống trong những chiếc lều tạm bợ sợ nhất là thời tiết xấu.
“Các con tôi rất sợ khi bão xảy đến. Chiếc lều dường như bị thổi bay và chúng tôi lạnh cóng. Bọn trẻ run lẩy bẩy. Tôi không thể tìm một tấm chăn để đắp cho chúng. Tình nguyện viên đã cho chúng tôi một chiếc chăn, nhưng chiếc chăn rất mỏng. Nó không thể giữ ấm cho chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi không có sẵn áo len và quần áo mùa đông. Chúng tôi không biết phải làm gì. Không có đệm để ngủ. Chúng tôi phải ngủ trên mặt đất, và mặt đất bên dưới chúng tôi là gai”, cô Rana chia sẻ.