Theo đó, tình trạng khẩn cấp ứng phó với COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ kéo dài đến 28/2/2022. Colombia trước đó có kế hoạch gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 11 này.
Sau khi được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tuần trước, biến thể Omicron đã lây lan sang nhiều nước láng giềng của Nam Phi và nhanh chóng xuất hiện tại các nước và vùng lãnh thổ châu Á và châu Âu. Hiện châu Đại dương và châu Mỹ là 2 khu vực duy nhất chưa phát hiện ca nghi nhiễm nào.
Trong bối cảnh đó, Cơ quan quản lý y tế của Brazil Anvisa ngày 27/11 đã quyết định bổ sung 4 nước châu Phi gồm Angola, Malawi, Mozambique và Zambia vào danh sách các nước cấm nhập cảnh vào nước này để ngăn chặn nguy cơ lây lan của Omicron - biến thể được cho có khả năng nguy hiểm hơn biến thể Delta.
Trước đó, Brazil thông báo đóng cửa biên giới đối với du khách nhập cảnh từ Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe.
Trong khi đó, giới chức bang đông dân nhất của Australia là New South Wales (NSW) đang đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm đối với 2 trường hợp từ châu Phi về nước có kết quả dương với SARS-CoV-2 trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nguy cơ xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở nước này.
Từ ngày 27/11, Australia cũng đã hạn chế nhập cảnh đối với người từng đến 9 nước khu vực miền Nam châu Phi để ngăn chặn mọi nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.
Theo giới chức NSW, toàn bộ hành khách đi cùng chuyến bay với người hành khách nói trên đều đã được đưa đi cách ly trong 14 ngày . Các hành khách có tiếp xúc gần với 2 cá nhân nêu trên sẽ được tiến hành các xét nghiệm cần thiết và cách ly 14 ngày.
Tại Bahrain, do lo ngại nguy cơ của biến thể Omicron, Bahrain đã bổ sung 4 nước gồm Malawi, Mozambique, Angola và Zambia vào danh sách 6 nước châu Phi bị cấm nhập cảnh vào nước này.
Công dân Bahrain hoặc thường trú nhân Bahrain không thuộc diện đối tượng thực hiện lệnh cấm trên.