Đây là quan điểm được ông Wang Yiming, cố vấn cho ủy ban chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đưa ra. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm, nhưng việc đạt mục tiêu GDP tăng 5,5% trong năm nay vẫn gặp “nhiều khó khăn”.
Ông Wang cũng chia sẻ quan điểm nhà điều hành có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt, không bị tính vào dạng thâm hụt tài chính, nhưng không cho biết thông tin chi tiết. Vị cố vấn chuyên về tạo lập chính sách tiền tệ này nhìn nhận suy giảm về cầu tài chính là điểm nghẽn then chốt mà Trung Quốc cần xử lý.
“Chính sách tiền tệ hiện tập trung vào ổn định thanh khoản. Các công cụ chính sách giờ đây mang tính cấu trúc nhiều hơn, giúp chuyển tín hiệu tới thị trường về môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì ổn định tài chính cao nhất ở mức có thể”, ông Wang nói.
Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội đầu tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,5% trong năm 2022. Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng để đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2022, nước này sẽ phải theo đuổi “các chính sách vĩ mô thận trọng và hiệu quả" kết hợp với chính sách tiền tệ "linh hoạt và phù hợp".
Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã tái khẳng định cam kết hoàn thành mục tiêu tăng trưởng này bất chấp những tác động tiêu cực từ chính sách “không Covid” (zero-Covid) đối với hoạt động sản xuất, giao thương kinh tế.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS ngày 22/6, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh yêu cầu cần tăng cường điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các biện pháp hiệu quả để đạt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội cho cả năm 2022, giảm thiểu tối đa tác động của COVID-19.