Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng 'chiến thuật bắt nạt' ở Biển Đông

Sáng 20/8 theo giờ Mỹ (tối 20/8 giờ Việt Nam), Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc sử dụng "các chiến thuật bắt nạt" ở Biển Đông.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu trước báo giới. Ảnh: NBC News

Trên trang mạng Twitter cá nhân, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng việc Trung Quốc gần đây leo thang các nỗ lực nhằm đe dọa các bên khác phải từ bỏ việc khai thác các nguồn tài nguyên tại Biển Đông đang gây ra lo ngại.

Theo ông Bolton, Mỹ quyết đứng về phía các bên phản đối cách hành xử cưỡng bức và các chiến thuật bắt nạt vốn đang đe dọa tới hòa bình và an ninh trong khu vực.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.

Ngày 16/8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.

Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông
Cần áp dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông

Giáo sư quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc, cho rằng việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính là hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN