Cơ quan năng lượng Mỹ tiết lộ 'nhập khẩu' trên 1 triệu thùng dầu Iran

Theo báo cáo mới được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, trên 1 triệu thùng dầu thô Iran đã được “nhập khẩu” vào Mỹ hồi tháng 3 năm nay.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu Iran tại vùng Vịnh ngày 25/7/2005. Ảnh: Reuters

Con số trên đã khiến nhiều nhà hoạt động kinh doanh “ngã ngửa” trong bối cảnh Iran vẫn đang hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt thương mại từ phía Mỹ, trong đó có ngành dầu mỏ và ngân hàng.

Theo như những tài liệu mà hãng tin AP thu thập được, số dầu này có thể liên quan đến lô hàng của Iran mà bị Mỹ thu giữ từ tàu chở dầu MT Achilleas khi tàu này hoạt động ngoài bờ biển Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hồi cuối tháng 2.

Washington đã cáo buộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran sử dụng con tàu chở dầu gắn cờ Liberia này để vận chuyển dầu Iran sang Trung Quốc dưới thương hiệu “dầu thô nhẹ Basra” của Iraq.

Viện dẫn luật chống khủng bố, các nhà chức trách Mỹ đã tịch thu các thùng dầu từ con tàu và vận chuyển nó tới Texas, bán trên hai triệu thùng dầu với giá 110 triệu USD. Hãng tin AP lưu ý tiền giao dịch được giữ ở dạng “bị phong tỏa”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 30/5 cho biết ông “không có bất kỳ thông tin chi tiết” về vụ việc, song nói thêm “kể từ thời cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Washington chưa từng mua giọt dầu nào của Iran”.

Hiện EIA cũng chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về sự việc trên. 

Theo dữ liệu của EIA, đây là lần thứ hai Mỹ được cho là nhận dầu từ Iran kể từ năm 1991. Trước đó, vào tháng 10/2020, một sự việc tương tự đã xảy ra khi Mỹ bắt giữ một tàu chở dầu khác.

Iran vẫn phải chịu các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại của Mỹ sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015,  với cáo buộc Tehran vi phạm thỏa thuận với chương trình hạt nhân. Về phần mình, Iran hẳng định rằng tất cả các nỗ lực hạt nhân của họ vẫn hòa bình và đang hối thúc Mỹ quay trở lại thỏa thuận, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Iran và các cường quốc đang nỗ lực để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết nước này và 6 cường quốc đã đạt được những tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuân hạt nhân năm 2015 được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), song vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần phải giải quyết.

Iran và các cường quốc đã tiến hành nhiều vòng đàm phán từ tháng 4 vừa qua ở Vienna (Áo), trong đó thảo luận các bước mà Tehran và Washington cần phải thực hiện để trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Khatibzadeh nhấn mạn: "Mỗi vòng đàm phán ở Vienna đều có thể là vòng đàm phán cuối cùng. Không nên vội vàng. Chúng tôi đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn những vấn đề then chốt tồn đọng". Ông Khatibzadeh nêu rõ Iran sẽ đảo ngược các hoạt động hạt nhân của nước này một khi tất cả các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và có sự kiểm chứng của Tehran.

Trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ 5 tại Vienna, bắt đầu vào ngày 25/5, các bên còn lại trong JCPOA, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh đã gặp gỡ trực tiếp với Iran, trong khi phái đoàn Mỹ do ông Rob Malley, Đặc phái viên của Tổng thống Biden về vấn đề Iran, dẫn đầu tham gia gián tiếp.

Bảo Hà/Báo Tin tức
IAEA: Kho dự trữ urani được làm giàu của Iran cao gấp 16 lần quy định
IAEA: Kho dự trữ urani được làm giàu của Iran cao gấp 16 lần quy định

Trong một báo cáo công bố ngày 31/5, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố kho dự trữ urani được làm giàu của Iran cao gấp khoảng 16 lần so với giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN