Theo đó, ông Ghosn sẽ bị triệu tập để thẩm vấn ngày 9/1 và được yêu cầu đưa ra tuyên bố về khiếu nại của một đoàn luật sư Liban cho rằng ông đã tới Israel với tư cách Chủ tịch của liên minh Renault – Nissan. Liban và Israel đến nay vẫn được coi là trong "tình trạng chiến tranh" về mặt hình thức.
Trước đó cùng ngày, ông Ghosn đã có buổi họp báo tại thủ đô Beirut của Liban - lần đầu tiên ông phát biểu trước công chúng kể từ khi rời Nhật Bản. Ông Ghosn cho biết việc ông bỏ tới quê hương Liban nhằm tìm lại công bằng cho bản thân. Ông khẳng định bị các công tố viên Tokyo đối xử thô bạo và là nạn nhân của một âm mưu thông đồng để lật đổ ông khỏi vị trí điều hành Nissan. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng nước Pháp, nơi ông có tư cách công dân, sẽ ủng hộ trong cuộc chiến pháp lý này. Ông từ chối trả lời về cách thức ông rời khỏi Nhật Bản.
Tuy nhiên ngay sau đó, văn phòng công tố Tokyo đã chỉ trích các phát ngôn của ông Ghosn, cho rằng những điều ông nói mang tính phiến diện và không thể chấp nhận được. Tuyên bố của Tokyo cũng khẳng định ông Ghosn đã vi phạm trắng trợn luật pháp Nhật Bản, trốn tránh hậu quả mà ông gây ra.
Ông Ghosn đã lãnh đạo Nissan trong hai thập kỷ và tạo ra một trong những liên minh ô tô lớn nhất thế giới cùng hai hãng sản xuất ô tô Renault (Pháp) và Mitsubishi Motors (Nhật Bản).
Tháng 11/2018, ông bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ với các cáo buộc gian lận tài chính, trong đó có việc không kê khai khoản thù lao ông được nhận khoảng 9 tỷ yên (83 triệu USD) trong 8 năm và lạm dụng tín nhiệm sử dụng tiền của hãng Nissan phục vụ lợi ích cá nhân. Ông Ghosn đã phủ nhận tất cả các tội danh.