Nước Mỹ lại vừa ghi nhận một phong trào mới, mang tên “Chúng tôi là 53%”, nhưng không hướng tới giới tài phiệt hay chính phủ, mà phản đối phong trào “Chiếm lấy phố Wall”.
99% và 53%
Phong trào biểu tình "Chiếm lấy phố Wall" sau khi qua hàng chục bang khác nhau, trong đó có thủ đô Oasinhtơn, đã lên kế hoạch sẽ tràn sang “chiếm” bang Pennsylvania, cũng nằm ở miền đông nước Mỹ. Phong trào cũng đã lôi kéo được những ngôi sao giải trí như diễn viên Susan Sarandon, Tim Robbins – như biết bao cuộc biểu tình làm thay đổi nước Mỹ trước kia. Nhưng, có phải phong trào ấy đại diện cho tiếng nói của 99% người dân Mỹ?
Hôm đoàn biểu tình ở thủ đô Oasinhtơn đổ xuống đại lộ Pennsylvania dẫn từ Nhà Trắng tới Đồi Capitol (trụ sở Quốc hội), người thanh niên trẻ hăng hái hô khẩu hiệu và kêu gọi mọi người hãy gia nhập đoàn biểu tình. “Tại sao không chứ? Gia nhập đi. Hãy đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta”, anh ta nói. Nhưng đáp lại chỉ có những cái máy ảnh giơ lên hiếu kỳ, và chờ cho đèn xanh ở ngã tư bật lên là nhiều người đều vụt băng qua đường.
Thông điệp của 2 thành viên thuộc nhóm 53%. | |
Những người biểu tình ở thủ đô Oasinhtơn lấy quảng trường Freedom Plaza làm chỗ cắm trại, nó chỉ cách Nhà Trắng vài trăm mét, và đứng ở đấy cũng dễ dàng nhìn thấy chóp nhà của Đồi Capitol. Những người cắm trại biểu tình phản đối sự tham chiến của Mỹ ở Trung Đông, phản đối mối quan hệ giữa chính phủ và Quốc hội Mỹ hiện thời. Thậm chí có cả băng-rôn ghi dòng chữ “Chủ nghĩa tư bản đang sụp đổ, Chủ nghĩa xã hội thay thế”. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa và mục đích của những người tham gia biểu tình vẫn là công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội và những quyền lợi khác họ không được hưởng.
Chỉ có điều, không phải ai trong số hơn 300 triệu người Mỹ cũng coi Phố Wall là thủ phạm. Đang tồn tại song song một phong trào khác trên nước Mỹ, mang tên “Chúng tôi là 53%”, và những biểu hiện của họ cho tới lúc này có xu hướng phản đối cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall”.
53% ở đây có nghĩa là số người hiện đang có công ăn việc làm và nộp thuế thu nhập liên bang lên tới 53% dân số Mỹ. Trang web của phong trào này mới được lập nên và bắt đầu thu hút được sự chú ý. Tính đến hết ngày 14/10 theo giờ nước Mỹ, có 140 câu chuyện (entry) của những người tham gia. Các câu chuyện chia sẻ về cuộc đời, cách vượt lên khó khăn, nắm bắt cơ hội… trong cái gọi là sinh tồn ở đất nước vẫn đang là nền kinh tế số 1 thế giới.
Nói tóm lại, phong trào “Chúng tôi là 53%” coi những người đang phải sống trong tình trạng nghèo khó ở Mỹ, bị thất nghiệp chủ yếu do lười nhác, thụ động. Có người chỉ viết ngắn gọn: “Tôi không muốn những cái mà tôi không tự kiếm. Tôi thuộc về 53%”. Có người chi tiết hơn: “Tôi 35 tuổi. Tôi đã và đang tự trang trải cuộc sống của mình kể từ năm 19 tuổi. Tôi đi học đại học nhờ số tiền dành dụm lúc đi làm. Tôi luôn có nhà vì tôi làm mọi việc để kiếm tiền. Tôi chưa bao giờ cần tới thực phẩm cấp cho người thất nghiệp cả. Tương lai của tôi phụ thuộc vào chính tôi chứ không phải chính phủ. Tôi thuộc về 53%”.
Đằng sau những con số
Lượng người thuộc “Phong trào 53%” nếu căn cứ trên trang chủ của nhóm này chỉ là một con số rất nhỏ so với nhóm “Chiếm lấy phố Wall”, chưa thể làm chùn bước những người đi biểu tình. Tuy nhiên, nó làm người ta phải xem lại thực tế của cái gọi là “Chúng tôi là 99%”.
Theo tờ Washington Post (Bưu điện Oasinhtơn), có 23% người dân Mỹ không nộp thuế thu nhập liên bang vì thu nhập của họ thấp ở dưới mức tối thiểu (8.500 USD/người/năm). 23% người Mỹ khác không nộp thuế thu nhập cá nhân thuộc diện được miễn thuế như người cao tuổi, các gia đình có thu nhập thấp, đối tượng hưởng phúc lợi của chính phủ, và sinh viên. Những người này chỉ phải chịu những loại thuế như theo sổ lương, tiêu dùng, tài sản như nhà cửa… Chẳng hạn, qua mỗi hóa đơn người dân ở thủ đô Oasinhtơn hay hai bang lân cận là Maryland và Virginia mua sắm ở các siêu thị, họ phải trả thêm 6% tiền thuế bang.
Như vậy, có 46% người Mỹ không (và không phải) nộp thuế thu nhập cá nhân, 53% số người nộp thuế, và 1% là những người giàu có mà những người biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” đang lên án?
Nếu theo số liệu của tờ Forbes nổi tiếng về tài chính thì không hẳn như thế. 25% số hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ cũng mới “chỉ” chiếm 87% tổng số tài sản của nước này. Nếu thế, cũng có thể nói rằng chuyện 1% người Mỹ đang bóc lột 99% người Mỹ khác là sự khuếch đại của những người khởi xướng phong trào “Chiếm lấy phố Wall”.
“Chiếm lấy phố Wall” và tương lai của nước Mỹ
Dù nghiêng theo hướng nào, phái nào thì có một thực tế không thể chối bỏ là nước Mỹ đang bị chia rẽ. Và câu hỏi đặt ra là liệu nước Mỹ sẽ thay đổi theo chiều hướng nào, hay nói đúng hơn là chính quyền và các nhà làm luật ở đất nước này sẽ phải lái con tàu theo ngả nào, chỉ phục vụ mưu đồ chính trị của họ, có lợi nhất cho giới ông chủ các tập đoàn lớn hay hướng tới tầng lớp người có thu nhập thấp?
Một sự kiện quan trọng của nước Mỹ trong thời gian tới, mà trên thực tế đã được khởi động theo nhiều cách khác nhau cách nay vài tháng, đó là bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2012-2016. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama chỉ trong vòng 3 tháng qua đã huy động được thêm cho chiến dịch tranh cử là 70 triệu USD, trong đó cho riêng cuộc tranh cử của ông là 43 triệu USD và 27 triệu USD cho Ủy ban Dân tộc của đảng Dân chủ. Con số huy động trong quý 2 của ông Obama là 86 triệu USD.
Một cuộc xuống đường biểu tình ở đại lộ Pennsylvania của nhóm 99% mang màu sắc lễ hội Halloween. |
Số tiền này nhiều hơn tổng cộng số quỹ tranh cử của các ứng viên của đảng Cộng hòa vận động được trong quý 3 gộp lại: Thống đốc bang Texas, Rick Perry được 17 triệu USD, cựu Thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney được 11 triệu USD, Thượng nghị sĩ bang Texas, Ron Paul được 14,8 triệu USD và doanh nhân da màu Herman Cain được 2,6 triệu USD.
Thế nhưng, điều đáng kể nhất lúc này với cử tri Mỹ là các dự án, kế hoạch vực dậy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm mà các ứng viên đưa ra. Chí ít là với cuộc đua trở thành ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa. Theo cuộc thăm dò của tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) cùng kênh NBC News thực hiện trong 5 ngày, từ 6 -10/10, thì người huy động số quỹ tranh cử khiêm tốn nhất là Herman Cain lại đứng đầu với tỉ lệ 27%, tiếp theo là Mitt Romney với 23% và Rick Perry là 16%.
Lý do giúp cho Herman Can được sự ủng hộ nhất định bởi dự án thuế 9-9-9 (đánh đồng loạt thuế suất 9% với thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng) của ông dù không nhận được sự chia sẻ của giới truyền thông nhưng lại được dân chúng kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn của họ trong cuộc sống.
Tuấn Đạt (P/V TTXVN tại Mỹ)