Cô dâu, chú rể tại Ấn Độ 'méo mặt' vì giá vàng tăng cao

Tại Ấn Độ, vàng không chỉ thể hiện vị trí trong xã hội mà còn mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong các lễ cưới và nghi thức tôn giáo.

Chú thích ảnh
Một người bán vàng trưng bày sản phẩm tại lễ hội ở Kochi tháng 4/2017. Ảnh: Reuters

Là thị trường tiêu dùng vàng lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ đang chứng kiến ngành công nghiệp cưới hỏi trở nên hỗn loạn vì giá vàng liên tục tăng cao.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giá vàng trong nước của Ấn Độ hồi đầu tháng 3 đã tăng đến 55.500 rupee (16,6 triệu đồng) trên 10 gram vàng 24 cara, gần chạm mức cao nhất mọi thời đại 56.000 rupee ghi nhận hồi tháng 8/2020 trong bối cảnh đại dịch hoành hành, đẩy cầu lên cao.

Anh Pankaj Dhariya (34 tuổi), một giám đốc kinh doanh ở bang Uttar Pradesh phía Bắc Ấn Độ, đã phải hủy đám cưới của mình vào tháng 4 tới vì nhà cô dâu không thể chuẩn bị đủ số vàng hồi môn. 

“Bố tôi khuyên gia đình cô dâu nên mua vàng trả góp, nhưng họ nói rằng sau khi phải chi cho chi phí ăn uống, địa điểm, quà tặng và quần áo, họ chỉ có thể đủ khả năng mua trang sức bằng bạc. Đám cưới bị hủy ngay lập tức”, anh nói.

Một cô dâu 28 tuổi giấu tên làm giáo viên ở New Delhi đã rất đau lòng khi mẹ cô phải bán đồ trang sức để mua vàng mới cho đám cưới của cô vào tháng 5.

“Mẹ chồng tôi kiên quyết, đòi chúng tôi phải chuẩn bị tối thiểu 20 gram vàng như một phần lễ vật. Nếu không có, đám cưới sẽ không diễn ra”, cô dâu chia sẻ.

Ở những làng quê khác tại Ấn Độ, nhiều người đang tận dụng thời cơ giá tăng để bán vàng nhằm bù đắp cho thua lỗ kinh doanh do đại dịch gây ra.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết nhiều người Ấn Độ đã dùng vàng làm tài sản thế chấp để đi vay ngắn hạn.

Những người chưa kết hôn đang thận trọng theo dõi sự biến động của vàng và họ nói họ sẽ mua khi giá ổn định trở lại. Các cửa hàng kim hoàn cũng nhận thấy nhu cầu giảm mạnh trong bối cảnh giá vàng tăng cao.

Ankit Surana, chủ cửa hàng Surana Jewelers ở New Delhi, cho biết "mọi người đang theo dõi giá vàng leo thang với tâm trạng lo lắng. Đây có lẽ là lần giảm sức mua mạnh nhất trong lịch sử”.

Trong khi đó, một chủ cửa hàng trang sức khác, anh Arun Parakh, chia sẻ nhiều người đang đổi đồ gia truyền lấy vàng. “Tuy nhiên, vì sự không chắc chắn và giá cả biến động cao, mọi người đang chờ giá ổn định trước khi mua vàng mới”, Arun lí giải.

Thực tế, giá vàng luôn biến động và sẽ tiếp tục như vậy. Sau khi tăng chóng mặt do xung đột Ukraine nổ ra, giá vàng đã nhanh chóng giảm xuống theo diễn biến của các cuộc đàm phán hòa bình. Giá vàng giữ vững sau khi Cục Dự trữ Liên bang công bố tăng lãi suất cơ bản vào tuần trước. Hai ngày sau, việc Nga ngăn chặn tình trạng vỡ nợ lại một lần nữ khiến giá vàng đi xuống.

Tuy nhiên, bất chấp những biến động, Hội đồng vàng thế giới dự đoán lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại và sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng. "Các diễn biến gần đây là một ví dụ minh chứng rõ ràng về lý do tại sao vàng là một nguồn dự trữ hiệu quả trước những rủi ro bất ngờ của thị trường”, hội đồng cho biết trong một ghi chú vào đầu tháng 3.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Giá vàng sáng 24/3 vượt 69 triệu đồng/lượng
Giá vàng sáng 24/3 vượt 69 triệu đồng/lượng

Cùng chung xu hướng với giá vàng thế giới, sáng 24/3 giá vàng trong nước đã vượt 69 triệu đồng/lượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN