Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất được dự báo từ trước, cùng sự phục hồi mạnh mẽ của các tài sản rủi ro ( hai chỉ số chứng khoán S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 6% và 8% trong tuần trước) là những "cơn gió ngược" đối với vàng. Ngoài ra, nhu cầu về kim loại quý này tại các thị trường tiêu thụ chính cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 mới.
Việc vàng không thể giữ được mức 2.000 USD/ounce đã khiến một số nhà bình luận cho rằng thị trường đang lặp lại giai đoạn tương tự đã xảy ra vào năm 2011.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát lại cho rằng những gì xảy ra vào năm 2011 khó lặp lại trong năm 2022. Mặc dù kim loại quý này có thể giảm giá mạnh trong ngắn hạn, triển vọng thị trường nhìn chung vẫn tốt. Thậm chí, một số yếu tố cho thấy thay vì lặp lại giai đoạn sau năm 2011, thị trường vàng sẽ tiếp tục tăng giá.
Nhìn lại năm 2011
Giá vàng đã đạt mức 1.899 USD/ounce vào đầu tháng 9/2011. Thời điểm đó, vàng đang được giao dịch cao hơn 27% (tương đương hơn 400 USD/ounce) so với mức trung bình động 200 ngày của nó là dưới 1.500 USD/ounce.
Chỉ có hai lần thị trường vàng trải qua lần mua vào quá mức (overbought) như vậy trong 10 năm trước đó, một giai đoạn mà giá kim loại quý này đã tăng tổng cộng gần 600%. Vào khoảng thời gian này, vàng chỉ giao dịch cao hơn 123 USD/ounce (khoảng 7%) so với mức trung bình động 200 ngày.
Rõ ràng, vàng đã bị mua vào quá mức trong năm 2011 và một đợt điều chỉnh mạnh sau đó là hoàn toàn dễ hiểu. Trong những năm sau đó, giá vàng đã giảm gần 45% tính theo đồng USD và chạm đáy khoảng 1.050 USD/ounce vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, thị trường ngày nay đang ở một vị thế lành mạnh hơn nhiều.
Những yếu tố khác biệt giữa năm 2011 và năm 2022
Khi tính đến lợi suất trái phiếu, môi trường của tháng 8/2011 khá tương tự như tình hình tháng 2/2022. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn hơn nằm ở hình dạng của đường cong lợi suất và sự phát triển của nó trong thời gian gần đây.
Năm 2011, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và trái phiếu kỳ hạn 2 năm là 2,03%. Trong 12 tháng tính đến tháng 8/2011, đường cong này hầu như không di chuyển. Nhưng vào tháng 2/2022, mức chênh lệch này đã giảm gần 1% trong 12 tháng trước đó và chỉ đứng ở mức 0,39%.
Một điểm khác biệt lớn nữa giữa hiện tại và năm 2011 là hiệu suất tương đối của vàng so với chỉ số S&P 500. Trong 10 năm tính đến quý III/2011, kim loại quý này về cơ bản có hiệu suất tốt hơn thị trường chứng khoán với giá vàng tăng 455%, trong khi thị trường chứng khoán chỉ tăng 9%.
Giai đoạn 10 năm sau đó, tình hình hoàn toàn đảo ngược với chỉ số S&P 500 tăng 280% nhưng vàng chỉ tăng 7%. Nói cách khác, vàng đắt hơn khi so với cổ phiếu vào năm 2011. Ngày nay, nó lại có vẻ rẻ hơn.
Cũng cần lưu ý rằng cổ phiếu ngày nay đắt hơn đáng kể so với cuối năm 2011, với hệ số giá trên doanh thu (lấy giá trị thị trường của cố phiếu chia cho doanh thu của cổ phiếu) và giá trên thu nhập tăng lần lượt 168% và 83% trong giai đoạn này.
Ngoài ra, năm 2011 đã xuất hiện một làn sóng đổ vào các quỹ ETF vàng, với tổng lượng vốn do các quỹ này nắm giữ tăng 8% trong 12 tháng tính tới tháng Tám năm đó. Ngược lại, trong 12 tháng tính đến hết tháng 2/2022, dòng vốn lại chảy khỏi các quỹ ETF vàng, khiến tổng lượng vốn do họ nắm giữ giảm 1%.
Một cách khác để hình dung rõ hơn xu hướng này là dựa trên thống kê từ TopDown Charts: Hồi năm 2011, các quỹ ETF vàng chiếm 8% tổng thị trường ETF ở Mỹ. GLD vào thời điểm đó là quỹ ETF lớn nhất trên thế giới.
Đến tháng 6/2020, ETF vàng chỉ chiếm 2% tổng thị trường ETF của nước này. Với diễn biến trên các thị trường kể từ cuối tháng 6/2020 đến hết ngày 22/2 vừa qua (vàng tăng 8%, S&P 500 tăng 41%), thị phần của vàng trong tổng tài sản do các quỹ ETF nắm giữa sẽ còn thấp hơn vào thời điểm hiện tại.
Một diễn biến khác cũng được chú ý là giá bạc.
Vào tháng 4/2011, tỷ lệ vàng trên bạc (GSR) giảm xuống chỉ còn 32, có nghĩa là phải mất 32 ounce bạc để mua một ounce vàng. GSR đạt gần 80 vào cuối năm 2008, với giá vàng tăng 80% trong giai đoạn này.
Kể từ đó, bạc trải qua một thập kỷ có hiệu suất khá kém mà đỉnh điểm là sự gián đoạn do COVID-19 tạo ra, đưa GSR tăng lên vượt mức 110 vào tháng 4/2020. Nó đã giảm trong vòng hai năm kể từ thời điểm đó. Nhưng đến cuối tháng Hai năm nay, GSR vẫn ở mức 78 - rất gần với mức ghi nhận cách đây hơn 14 năm, ngay trước khi giá vàng và bạc tăng “bùng nổ”.
Lạm phát - "cơn đau đầu" của năm 2022
Dù có rất nhiều cuộc thảo luận về lạm phát trong năm 2011 - chủ yếu do đà tăng mạnh của vàng trong năm đó, áp lực lạm phát khi đó không hề lớn đối với các thị trường.
Ngày nay, lạm phát lại là vấn đề nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Bằng chứng là lạm phát toàn phần (bao gồm cả những loại giá dễ biến động như thực phẩm tươi và chi phí năng lượng) cùng những chỉ báo lạm phát có thể quan sát được khác đều cao hơn đáng kể, khiến các thị trường lẫn các ngân hàng trung ương đều lo ngại.
Có nhiều yếu tố có khả năng làm trầm trọng thêm thách thức lạm phát này trong năm nay. Chúng bao gồm sự tập trung của nhà đầu tư vào vấn đề môi trường, xã hội & quản trị doanh nghiệp (ESG) cùng các cam kết đưa phát thải ròng về 0, những thách thức của chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, cùng sự bất ổn trên thị trường năng lượng vốn đã tăng lên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.
Những diễn biến đó có thể khiến nhu cầu về vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, không có yếu tố nào trong số trên là xuất hiện và chi phối thị trường trong năm 2011.
Bên cạnh đó, ông Daniel Briesemann, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank cho biết ngày càng có nhiều rủi ro rằng chính sách điều chỉnh lãi suất mạnh tay của Fed nhằm kiểm soát lạm phát có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái. Nếu kịch bản đó xảy ra, môi trường này sẽ rất tích cực đối với vàng.
Các nhà phân tích hàng hóa tại công ty giao dịch kim loại quý Heraeus Precious metal lại lưu ý rằng các nhà đầu tư nên theo dõi bức tranh toàn cảnh hơn. Khi lãi suất thực tăng, nhu cầu đối với vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát có thể giảm bớt. Tuy nhiên, ngay cả khi dự báo về khả năng Fed tăng mạnh lãi suất trở thành hiện thực, lạm phát sẽ vẫn cao trong khi lãi suất thực âm, duy trì một môi trường tích cực cho vàng trong trung hạn.
Bà Kristina Hooper, trưởng chiến lược gia đầu tư tại công ty môi giới đầu tư Invesco cho biết trong khi bà kỳ vọng Fed sẽ thiết kế một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, rủi ro đang tăng lên. Chuyên gia này nói thêm rằng rất có thể Fed chỉ đang tỏ vẻ cứng rắn. Vì việc tăng lãi suất bảy lần trong năm nay và bốn lần trong năm tiếp theo thực sự khó hơn rất nhiều, khi chúng sẽ tăng rủi ro bóp nghẹt chu kỳ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chuyên trang về thị trường kim loại quý Kitco News, bà Hooper nói rằng các nhà đầu tư vẫn cần nắm giữ một số lượng vàng và hàng hóa nhất định như công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư trong môi trường nhiều biến động hiện tại.
Nhìn chung, thị trường vàng có vẻ vẫn đang trong trạng thái tốt hơn nhiều so với năm 2011. Tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định dù không lên cao, trong khi thị trường đang kết thúc giai đoạn 10 năm hoạt động kém hiệu quả so với các tài sản rủi ro thay vì ngược lại. Sự phân bổ dòng vốn của các nhà đầu tư cũng khiêm tốn hơn, trong khi vàng ngày nay không bị mua quá nhiều như đã từng xảy ra vào năm 2011.
Cuối cùng, môi trường lợi suất, mức định giá trên thị trường tài chính và động lực lạm phát đều hỗ trợ cho kim loại quý này.
Kết hợp lại, những yếu tố trên cho thấy chu kỳ tăng giá của vàng có thể tiếp tục kéo dài, thay vì đảo chiều lao dốc như giai đoạn sau năm 2011.