Thả người xuống nước, một tay bám vào mép chiếc thuyền đang bồng bềnh trôi, với đôi mắt mở to chăm chú, ngư ông Harun Muhammad cố gắng tập trung cao độ để “lắng nghe” âm thanh của loài cá từ đại dương xanh thẳm và sẵn sàng chuẩn bị đánh bắt một mẻ cá mới.
Là một trong những ngư dân cuối cùng đánh bắt bằng phương pháp “nghe tiếng cá” tại Malaysia, ông Harun hy vọng sẽ truyền lại cho cậu con trai Zuraini - hiện đang là người học việc tích cực trong các chuyến ra khơi của ông - bí quyết đánh cá truyền thống đầy huyền bí đang dần mai một này.
“Nghe” âm thanh của cá gelama
Từ trước đến nay, giới khoa học đã chứng minh được cá voi và cá heo có thể giao tiếp với đồng loại bằng những âm thanh đặc biệt, tuy nhiên việc các loài cá khác có ngôn ngữ riêng hay không vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tại Malaysia, có nhiều ngư dân như ông Harun đánh bắt dựa vào việc tin rằng mình “nghe” thấy tiếng cá. Điều đặc biệt là cách đánh bắt thú vị này chủ yếu tập trung vào một loại cá duy nhất.
Ông Harun ra khơi cùng con trai Zuraini.Ảnh: AFP/TTXVN |
Ở tuổi 68, ngư ông Harun đã dành cả cuộc đời lênh đênh trên biển ở Setiu thuộc bang Terengganu, vùng ven biển phía đông xa xôi của Malaysia. Ông tâm sự: “Chúng tôi chỉ tìm kiếm và lắng nghe âm thanh của cá gelama, vua của các loài cá”. Tại thị trường Malaysia, cá gelama có giá cao gấp 10 lần so với những loài cá khác có cùng kích thước.
Mặc dù tóc đã muối tiêu nhưng ngư ông Harun, với nước da rám nắng đặc trưng của dân miền biển, vẫn luôn hoạt bát và nhanh nhẹn mỗi khi ra khơi. Khi đã “bắt sóng” được tiếng của đàn cá gelama, Harun ra hiệu để các ngư dân khác trên thuyền tắt máy, thả lưới, rồi đập mạnh vào mạn thuyền để tạo tiếng động nhằm lùa đàn cá gelama bơi vào hướng thả lưới.
“Bạn nghĩ chúng là những con cá và chúng không biết gì nhưng thực ra, chúng có thể nghe thấy bạn đang tiến đến. Khi phát hiện tiếng động của tàu thuyền, chúng sẽ bơi đi hoặc “la hét” để báo động cho ‘đồng bọn’”, ông Harun hóm hỉnh chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Harun cảm thấy rất khó để diễn tả chính xác “ngôn ngữ” của loài cá gelama nhưng ông liên tưởng nó như âm thanh của tiếng đá cuội được thả vào nước.
Trải nghiệm đa giác quan
Nhiều ngư dân lành nghề từng miêu tả rất nhiều về kỹ thuật “nghe tiếng cá”, một số khác lại khẳng định họ có thể cảm nhận được sự thay đổi của nhiệt độ nước khi đàn cá tiến đến gần tàu thuyền. Đối với Harun, đó là một trải nghiệm đa giác quan. Ông tâm sự: “Sau một hồi lắng nghe, ngay cả khi đàn cá đang ở xa nơi bạn đứng, bạn vẫn có thể cảm nhận được hướng di chuyển của chúng. Tuy nhiên, chỉ khi đàn cá tiến đến gần, bạn mới nghe được rõ ràng nhất tiếng của chúng. Bạn không thể bắt chước các kỹ năng nghe tiếng cá của người khác mà phải rèn luyện và trải nghiệm cũng như phải hiểu được dòng nước”.
Ông Harun trong một lần đánh bắt bằng phương pháp “nghe tiếng cá”. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nghiên cứu về kỹ năng “nghe” tiếng cá đầy bí ẩn này, nhà sinh thái biển người Mỹ Rodney Rountree nhận định: “Người thợ lặn với đồ lặn chuyên dụng thường không nghe thấy gì khi ở dưới nước, bởi tiếng thở và các bóng khí đã tạo ra quá nhiều âm thanh. Tuy nhiên, những thợ lặn tự do lại sử dụng kỹ thuật nín thở đặc biệt khiến họ có thể nghe rõ hơn ở dưới nước”. Các nhà khoa học khác thì cho biết cá có thể tạo ra âm thanh qua bộ phận được gọi là bóng cá hoặc qua vảy hay xương của chúng.
Trở lại trường hợp của ngư ông Harun, có những thời điểm trong suốt cả tuần ông không thể “nghe” thấy tiếng cá gelama, khiến không ít người hoài nghi về khả năng “nghe” tiếng cá của ông. Lý giải về hiện tượng này, ông Harun nhận định việc đánh bắt được mẻ cá lớn hay không phụ thuộc vào nguồn cá. Nguồn cá có dấu hiệu khan hiếm là hệ lụy sau nhiều thập kỷ đánh bắt một cách không kiểm soát tại Malaysia. Giờ thì phải mất vài chục lần ngụp lặn dưới biển trong ánh nắng thiêu đốt của vùng xích đạo, ông Harun mới nghe và bắt được một mẻ nhỏ cá gelama. Ngư ông Harun còn bộc bạch: “Những người buôn cá thậm chí nói rằng nếu tôi ra đi, họ sẽ không còn cá gelama để bán nữa”.
Nguy cơ mai một “bí kíp” truyền thống
Quá trình hiện đại hóa với việc nạo vét cát xây dựng nhà máy hay đánh bắt cá bằng lưới rà (thả ngầm dưới đáy biển) đã thay đổi hoàn toàn diện mạo Setiu, một hệ sinh thái bờ biển trải dài 14 km. Hiện nay chính quyền bang Terengganu đang tìm giải pháp để biến nơi đây thành một công viên sinh thái.
Theo trang mạng saveourseafood.my, các nhà nghiên cứu mới đây đã tỏ ra quan ngại trước thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy, Malaysia đã mất gần 44% nguồn hải sản trong giai đoạn từ năm 1971 - 2007 do đánh bắt quá đà. Đại diện của WWF tại Malaysia, Dionysius Sharma, cảnh báo việc đánh bắt quá mức đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng và có thể khiến Malaysia cạn kiệt nguồn hải sản vào năm 2048.
Tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc Malaysia nổi danh là một trong những quốc gia tiêu thụ hải sản nhiều nhất trên thế giới. Một nghiên cứu của tổ chức Infofish cho thấy trung bình mỗi năm, một người Malaysia tiêu thụ 56,5 kg hải sản, nhiều hơn cả người Nhật Bản, trong khi đó lượng tiêu thụ trung bình của thế giới là 20 kg. Trong khi đó, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) trong năm 2013 đưa ra con số cho thấy, việc tiêu thụ hải sản tại Malaysia đã tăng thêm 150% kể từ năm 1961.
Trước việc nhiều ngư dân “nghe” tiếng cá kỳ cựu đã lần lượt quy tiên, nghỉ hưu hoặc chuyển sang đánh bắt bằng công nghệ hiện đại thì Zuraini - 44 tuổi, con trai của ông Harun - vẫn khẳng định một ngày nào đó anh sẽ truyền lại nghề đánh bắt bằng phương pháp “nghe” tiếng cá học được từ người cha cho con trai của mình.
Hà Linh