Chuyên gia Mỹ: Nga sẽ không hết tên lửa bất chấp bị trừng phạt

Bất chấp các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu từ phương Tây, Nga vẫn có thể sản xuất hoặc có được khả năng tấn công tầm xa cần thiết.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: Politico

Theo nhận định của nhà phân tích Ian Williams, thành viên của Chương trình An ninh Quốc tế và Phó Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS ) ở Mỹ, các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Nga nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine là một khía cạnh nổi bật và kéo dài trong cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev đang diễn ra.

Đầu năm nay, báo cáo của CSIS về cuộc chiến tên lửa giữa Nga và Ukraine cho thấy các cuộc tấn công tên lửa của Moskva năm 2022 đã gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine nhưng vẫn chưa có tác động chiến lược quyết định.

Sang năm 2023, Nga vẫn kiên trì sử dụng các tên lửa tầm xa, đắt tiền trong các cuộc tấn công thường xuyên nhằm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ukraine. Trọng tâm của các cuộc tấn công này thường xuyên thay đổi, mặc dù cường độ có giảm đi cùng với chất lượng của các loại vũ khí được sử dụng cũng thay đổi.

Nhưng việc Nga tiếp tục chiến dịch tấn công bằng tên lửa vào năm 2023 đã cho thấy một điều khá rõ ràng: Nga sẽ không hết tên lửa. Bất chấp các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu từ phương Tây, có vẻ như Nga vẫn có thể sản xuất hoặc có được khả năng tấn công tầm xa cần thiết.

Nhà phân tích Williams cho rằng vào tháng 5, Nga đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa tầm xa vào các thành phố của Ukraine. Hoạt động gia tăng này diễn ra sau một thời gian tương đối tạm lắng vào tháng 3 và tháng 4. Hàng loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái gần đây của Nga kể từ tháng 5 nhằm vào các mục tiêu dường như rộng lớn hơn và khó dự đoán hơn.

Chẳng hạn, Nga đã sử dụng một số tên lửa tiên tiến và đắt tiền nhất nhằm phá hủy một trong các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ - Đức cung cấp cho Ukraine. 

Rõ ràng, các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu có thể hạn chế Moskva tiếp cận với các thành phần vi điện tử quan trọng, nhưng Nga vẫn có thể tìm ra cách giải quyết để tiếp tục sản xuất tên lửa. Vào tháng 5, tình báo Ukraine ước tính rằng Nga hiện sản xuất khoảng 60 tên lửa hành trình, 5 tên lửa đạn đạo Iskander và 2 tên lửa Kinzhal hàng tháng. Trong tháng 6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lưu ý rằng Ukraine tiếp tục phát hiện thấy các linh kiện vi điện tử do phương Tây sản xuất trong số các xác tên lửa của Nga.

“Trong tương lai, không có giải pháp nào có thể chặn hoàn toàn vấn đề sản xuất tên lửa của Nga. Nga sẽ tiếp tục sản xuất hoặc mua tên lửa. Các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu có thể khiến điều này trở nên khó khăn và tốn kém hơn đối với Nga, nhưng chúng sẽ không thể ngăn cản Moskva”, chuyên gia Williams nhấn mạnh.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo csis.org)
Nguyên nhân sâu xa Pháp không tham gia sáng kiến Lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu
Nguyên nhân sâu xa Pháp không tham gia sáng kiến Lá chắn phòng thủ tên lửa châu Âu

Pháp không muốn cuộc xung đột Nga - Ukraine xác định hướng phát triển năng lực quân sự của các nước NATO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN