Nhật báo Hungary (Hungarytoday.hu) ngày 15/6 đưa tin, Quốc hội Mỹ đã chặn thương vụ bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Hungary, bao gồm 24 hệ thống tên lửa HIMARS, do Budapest chậm trễ trong việc phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Hungary quan tâm đến việc mua 24 hệ thống tên lửa HIMARS, loại vũ khí được sử dụng nhiều trong cuộc xung đột ở Ukraine và bán rộng rãi cho các đồng minh khác của Mỹ. Đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn việc cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa tối tân trên cho Ba Lan.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa James E. Risch, lãnh đạo có ảnh hưởng của đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đã chặn việc bán vũ khí trên cho Hungary, tuyên bố rằng Budapest phải chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO trước khi nhận được vũ khí. Ông Risch trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Chính phủ Hungary về quan điểm này.
Đơn gia nhập NATO của Thụy Điển hiện có hai thành viên là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary chưa phê chuẩn. Đảng Fidesz cầm quyền của Hungary ban đầu tuyên bố rằng Quốc hội nước này có luật khác quan trọng hơn cần giải quyết, nhưng sau đó nói rằng Thụy Điển đang lan truyền "thông tin sai lệch" về sự xói mòn nền dân chủ và vi phạm pháp quyền ở Hungary và lập luận này là được sử dụng làm lý do để trì hoãn phê chuẩn.
Các nhà phê bình cho rằng Chính phủ Hungary đang gây áp lực với các đồng minh châu Âu để chấm dứt phong tỏa việc giải ngân các quỹ EU đang bị đóng băng. Chiến lược này đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Hungary với các đồng minh phương Tây.
Ngoại trưởng Hungary trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ Newsmax nói rằng Chính phủ nước này ủng hộ việc phê chuẩn và đã đệ trình một dự luật liên quan lên Quốc hội. Chương trình nghị sự sẽ phụ thuộc vào các nghị sĩ của đảng Fidesz, vốn chiếm đa số (2/3) trong Quốc hội Hungary. Theo truyền thông địa phương, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu vào đầu tháng tới trước khi nghỉ hè.
Bộ Quốc phòng Hungary trong một tuyên bố cho biết họ quan tâm đến việc mua tên lửa HIMARS hai năm trước, nhưng không có phản hồi từ Washington và vụ việc đã bị đóng lại. Theo Thượng nghị sĩ Risch, Washington đã trì hoãn trả lời Bộ Quốc phòng Hungary liên quan đến yêu cầu mua lô vũ khí ban đầu gồm 24 bệ phóng và 100 quả tên lửa.
Tuy nhiên, nhật báo Hungary cho rằng, lý do thực sự đằng sau việc từ chối của Mỹ nhiều khả năng là sự khác biệt cơ bản về chính trị và ý thức hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính phủ Hungary do Thủ tướng Viktor Orbán lãnh đạo.
Những điều này có từ giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và có thể không liên quan gì đến NATO hay Thụy Điển. Đặc biệt, việc không quân Hungary quyết định không đặt hàng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 từ Mỹ có thể là nguyên nhân chính liên quan đến việc trì hoãn hệ thống HIMARS.
Cả Ba Lan và Romania đều đã đặt hàng và nhận HIMARS từ Mỹ, trong đó Ba Lan cũng mong nhận được máy bay phản lực F-35. Việc thiếu hệ thống HIMARS có thể tạo ra lỗ hổng nghiêm trọng về năng lực trong kho vũ khí của quân đội Hungary, nhưng Chính phủ nước này đang xem xét các giải pháp thay thế khác để tránh tình trạng như vậy.
Hungary đã khởi động một chương trình hiện đại hóa quốc phòng trị giá 10 tỷ USD đầy tham vọng nhằm tăng cường năng lực quân sự, nâng cấp các lực lượng vũ trang và thay thế các thiết bị cũ thời Liên Xô.
Các dự án hàng đầu của chương trình bao gồm việc thành lập một nhà máy sản xuất xe chiến đấu bộ binh thế hệ tiếp theo trong một liên doanh giữa nhà nước và Rheinmetall, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Đức. Rheinmetall cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất vũ khí ở miền tây Hungary.
Chi tiêu quân sự của Hungary đã tăng từ 1% GDP năm 2017 lên 1,45% vào năm 2020. Trong giai đoạn này, Hungary là khách hàng mua thiết bị quân sự lớn nhất của Đức trên toàn cầu. Dự thảo ngân sách năm 2024 của Hungary đặt mục tiêu chi tiêu quân sự nhiều hơn 2% GDP.