"Hiệu ứng tuyết lăn" là thuật ngữ để miêu tả về tình huống tăng về quy mô, tầm quan trọng ở tốc độ nhanh dần hoặc ngày càng lớn hơn, hàm ý một vụ việc dẫn tới phản ứng dây chuyền với hệ quả ngày càng tăng.
Nội dung then chốt của Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) - là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ông Corey Hinderstein tại tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (Mỹ) đánh giá: “Tôi lo ngại về hiệu ứng tuyết lăn. Iran đang có những bước đi khiến châu Âu và các thành viên khác trong thỏa thuận ở tình thế khó khăn”. Giới phân tích quan ngại Iran rút khỏi JCPOA sẽ dẫn tới những diễn biến và hậu quả khôn lường.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin Iran đã đặt thời hạn chót đến ngày 7/7 để các bên đạt được thỏa thuận hạt nhân hợp lý hơn, nếu không Tehran sẽ khởi động làm giàu urani vượt mức đã cam kết.
Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu ở mức 3,67%. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân 2015, Iran đã làm giàu urani lên tới mức 20% và nắm giữ 10.000 kg urani được làm giàu. Về lý thuyết, urani làm giàu cấp độ này có thể được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân.
Các chuyên gia trao đổi với AP rằng điều khoản trong thỏa thuận về việc làm giàu và hạn chế số lượng urani khiến Iran chậm 1 năm để dự trữ đủ lượng nhiên liệu cần thiết cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là phục vụ mục đích dân sự, chứ không nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân.
Giáo sư Ian Stewart tại Đại học King (Anh) quan ngại tính toán sai lầm của Mỹ, phương Tây và Iran đẩy tình hình đến bên miệng hố chiến tranh. Ông Stewart đánh giá: “Điều này nhấn mạnh đến căng thẳng thật sự tại Iran: cần phải hành động để vừa lòng trong nước, đồng thời duy trì sự ủng hộ từ EU, Trung Quốc và Nga cho thỏa thuận hạt nhân”.
Trong khi đó, bà Kelsey Davenport tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở ở Mỹ nhận định động thái của Iran có khả năng hướng tới đạt được đòn bảy trong đàm phán. Bà Kelsey Davenport đánh giá: “Điều quan trọng là Mỹ không phản ứng thái quá và không tận dụng việc Iran không tuân theo thỏa thuận hạt nhân để tăng căng thẳng trong khu vực”.