Theo hãng tin Reuters, tên Payton Gendron, bị bắt giữ vào ngày 14/5 sau vụ tấn công, đã công khai nội dung phân biệt chủng tộc trên Internet và phát sóng trực tiếp vụ tấn công qua mạng xã hội Twitch của Amazon.com. Các nhà chức trách gọi vụ xả súng hàng loạt này là một hành động "chủ nghĩa bạo lực cực đoan” xuất phát từ động cơ chủng tộc.
Giới chuyên gia nhận định xu hướng phần lớn những thanh niên da trắng trẻ tuổi lấy cảm hứng từ những kẻ xả súng trước đây đang ngày càng lan rộng. Các chuyên gia chỉ ra những vụ tấn công như tấn công nhà thờ người da màu tại Charleston (bang Nam Carolina) năm 2015, vụ tấn công một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh năm 2018, vụ tấn công Walmart trong một khu dân cư gốc Tây Ban Nha ở El Paso năm 2019 đều là ví dụ điển hình cho xu hướng trên.
Ông Adam Lankford, Giáo sư chuyên về tội phạm học tại Đại học Alabama, đã nghiên cứu xu hướng của các vụ xả súng hàng loạt trong nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu năm 2020 của ông sau khi phân tích dữ liệu nạn nhân cho thấy các vụ xả súng "đẫm máu nhất" – với trên 8 người thiệt mạng mỗi vụ - tăng gấp đôi số lượng kể từ năm 2010.
"Đó rõ ràng không phải là các vụ việc ngẫu nhiên. Chúng đang học theo và bắt chước lẫn nhau. Chúng muốn trở thành những kẻ tấn công trước đó – học hỏi thần tượng", Giáo sư Lankford lý giải.
Nghiên cứu của ông Lankford cũng chỉ ra các vụ xả súng “chết chóc nhất” chiếm 25% các vụ xả súng hàng loạt từ năm 1966 đến năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ đó từ năm 2010 đến năm 2019 đã tăng lên thành 50%. Đây là một bằng chứng trực tiếp cho thấy thủ phạm đã bị ảnh hưởng từ những kẻ tấn công khác.
Theo thống kê của tổ chức The Violence Project, các vụ xả súng bắt nguồn từ động cơ chủng tộc và thích gây chú ý tăng nhanh từ năm 2015.
Chuyên gia Lankford cho hay các vụ xả súng “bắt chước” có một xu hướng cụ thể: các tay súng tìm cảm hứng từ những chi tiết đời tư của những kẻ xả súng hàng loạt trước đây. Chính vì vậy, ông đề xuất một cách để ngăn chặn sự gia tăng của tội ác thù hận. Đó là truyền thông tránh công bố chi tiết về đời tư cá nhân của những kẻ xả súng.
Nghi phạm xả súng trong vụ Buffalo thường xuyên tham gia các diễn đàn cộng đồng trực tuyến cực đoan, độc hại. “Từ những gì cậu ta chia sẻ trên mạng, từ tài khoản của cậu ta có thể thấy những suy nghĩ cực đoan xuất hiện khi cậu ta tham gia vào những diễn đàn này’, trung tâm SPLC chuyên theo dõi những kẻ cực đoan cho hay. “Cậu tả thảo luận về việc hình thành một kho vũ khí, hỏi cặn kẽ về áo chống đạn. Cậu ta còn đăng sự việc giết một con mèo lên mạng. Thậm chí cậu ta còn đăng kế hoạch chi tiết vụ tấn công lên mạng trước 2 tuần xảy ra sự việc và thường xuyên nói về nó”, SPLC miêu tả.
Trong nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng phát trực tuyến vẫn rất chật vật và chưa thể tìm ra giải pháp toàn diện để kiểm soát các nội dung bạo lực và cực đoan. Tính chất trực tiếp của các chương trình phát sóng khiến việc kiểm duyệt đặc biệt khó khăn vì các nền tảng phát trực tuyến không có thời gian trễ như các chương trình truyền hình. Facebook đã phải gấp rút tìm cách giải quyết sau mất tới 17 phút mới gỡ được nội dung phát sóng trực tiếp vụ xả súng hàng loạt ở Christchurch, New Zealand năm 2019.