Theo ông SD Pradhan, trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cao vị thế trên toàn cầu và nổi lên như một trong những quốc gia quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. Ông cho rằng Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, trong đó nổi bật nhất là trong 3 lĩnh vực: Kinh tế, ngoại giao và quốc phòng.
Trong lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thật đáng kinh ngạc, đạt gần 7% trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới không thuận lợi hiện nay. GDP của Việt Nam tới cuối năm nay dự kiến sẽ đạt khoảng 469 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.649 USD.
Ông Pradhan nhận định có 4 yếu tố quan trọng đã giúp Việt Nam đạt được những thành tựu nói trên là cải cách kinh tế táo bạo; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các công ty chuyển dịch cơ sở sản xuất; xây dựng lực lượng lao động lành nghề; và hội nhập với các hoạt động thương mại và sản xuất toàn cầu.
Chuyên gia Ấn Độ cũng lưu ý ảnh hưởng tích cực từ việc tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển, dẫn đến mức tiêu dùng nội địa cao hơn và thúc đẩy các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và dịch vụ. Theo ông Pradhan, một khía cạnh quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam là sự kiên quyết trong đối phó với tham nhũng. Ông cho rằng Việt Nam đã trở thành hình mẫu về tăng trưởng kinh tế, được cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công nhận.
Về lĩnh vực ngoại giao, Việt Nam tiếp tục duy trì bản sắc “Ngoại giao cây tre” do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng. Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã phát triển quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản. Hàn Quốc, Australia, Pháp và Malaysia. Trước đó, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp tục phát huy đường lối của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong vài tháng qua, Việt Nam đã ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp và Malaysia. Điều này ghi nhận công lao của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, những người đang đi theo đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “thêm bạn, bớt thù”. Điều quan trọng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới. Theo cựu quan chức này, quan điểm này được đánh giá rất cao.
Để duy trì đà phát triển của năm 2024 và đạt được những thành tựu lớn hơn nữa trong năm 2025, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ cho rằng Việt Nam cần tiếp tục các chính sách trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, đồng thời chú trọng hơn đến khía cạnh an ninh. Về mặt kinh tế, áp lực phải đặt vào năng lượng tái tạo và tạo ra các trung tâm giao dịch bằng cách phát triển các cảng. Việt Nam cũng cần quan tâm đến nguồn lợi từ sông Mekong và tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững.