Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Thay đổi để bứt phá

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố trong tháng 10, đã chỉ ra cơ hội mới cho Việt Nam trong kết nối thương mại toàn cầu, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại quốc tế tạo động lực thúc đẩy vị thế của các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tàu cập Cảng Hải Phòng. Ảnh TTXVN phát

Trong khi đó, Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cũng đưa ra nhiều nhận định tích cực, khẳng định Việt Nam có tiềm năng vượt trội, đặc biệt khi đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng bền vững.

Cơ hội từ kết nối thương mại

Báo cáo triển vọng kinh tế bán niên khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) của WB nhận định, các nền kinh tế đang phát triển của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong năm 2024, nhưng vẫn chậm hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Phát biểu trong buổi họp báo công bố báo cáo, ông Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đã chỉ ra ba yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng khu vực trong thời gian tới, đó là sự dịch chuyển trong thương mại và đầu tư, xu hướng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và bất ổn gia tăng trong chính sách toàn cầu.

Yếu tố đầu tiên là căng thẳng thương mại. Điều này đang tạo cơ hội để các quốc gia như Việt Nam mở rộng vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn. Xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn gần 25% so với các điểm đến khác trong giai đoạn 2018 - 2021.

Thứ hai, các quốc gia trong khu vực được hưởng lợi từ đà tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua, nhưng động lực này đang dần suy yếu. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhập khẩu chỉ tăng 2,8% trong bảy tháng đầu năm nay so với mức gần 6% mỗi năm của thập kỷ trước.

Thứ ba, bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế EAP, trong đó có Việt Nam. Ngoài những bất ổn địa chính trị, ông Aaditya Mattoo cho rằng sự bất định về chính sách kinh tế cũng có thể khiến sản xuất công nghiệp giảm và tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.

Động lực tăng trưởng mới

Trong khi đó, giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, ngân hàng HSBC vẫn dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2024, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN và tạo ra GDP mới nhiều tương đương Hà Lan.

Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam ông Tim Evans cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế ấn tượng trong những thập kỷ qua, vươn lên trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về GDP và Top 20 xét về thương mại. Những bước tiến này đã đẩy thu nhập bình quân đầu người tăng 43 lần từ 100 USD thời mới cải cách lên 4.300 USD như hiện nay.

Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi nhanh chóng với hai xu hướng chính là chuyển đổi số và biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi khả năng thích ứng để đảm bảo phát triển bền vững. Theo ông Tim Evans, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang làm thay đổi toàn bộ cuộc sống và các ngành nghề. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử, làm việc từ xa và các dịch vụ trực tuyến khác. Việt Nam có tiềm năng lớn về tiêu dùng số nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển mạnh. Để khai thác tối đa tiềm năng này, cần tiếp tục đầu tư vào giáo dục và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho Việt Nam. Là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương, Việt Nam cũng sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Nói cách khác, chuyển đổi xanh mở ra cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp cũng đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi và bắt đầu triển khai các kế hoạch ứng phó. Tuy nhiên, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ. Theo ước tính của ngân hàng HSBC, Việt Nam cần khoảng 400 tỷ USD để ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí cho chuyển đổi số toàn cầu dự kiến đạt gần 4.000 tỷ USD đến năm 2027.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6%) nhờ kết quả GDP của quý III khả quan hơn dự kiến.

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.

Phương Nga/TTXVN (Tổng hợp)
JICA nỗ lực hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam
JICA nỗ lực hỗ trợ phát triển kinh tế Việt Nam

Ngày 17/10, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức họp báo giữa kỳ năm 2024. Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị cấp ngoại giao, JICA đã nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN