Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết rạp chiếu phim mang tên The Projector của ông Prashant Somosundram có diện tích khá nhỏ, được cho có sức chịu đựng kém hơn các rạp lớn khác trong “cơn bão’ COVID-19.
Ông Somosundram ước tính rằng nếu không có thu nhập trong thời kỳ này, ông sẽ phải cắt giảm một nửa chi phí nhân công để duy trì hoạt động kinh doanh. Hiện rạp phim của ông có 14 nhân viên.
May mắn là Chính phủ Singapore đã hành động với chương trình hỗ trợ tiền lương với mức 75% mức 4.600 đô la Singapore (2.480 USD) tiền công cho các nhân viên rạp phim. Ông Somosundram chia sẻ: “Đối với tôi, sự hỗ trợ này là quan trọng”.
Projector không phải là rạp phim duy nhất được lợi, trên thực tế, chương trình Hỗ trợ Việc làm đã giúp sức cho mọi công dân Singapore và cá nhân thường trú tại quốc gia này. Số tiền trợ cấp được xác định dựa trên ngành nghề và mức chịu tác động bởi dịch COVID-19.
Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat trong tháng 2 đã nêu chi tiết các con số liên quan đến chương trình này. Theo đó, sau 17 tháng, có trên 25 tỷ đô la Singapore được cấp cho chương trình hỗ trợ 150.000 người lao động.
Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat giới thiệu chương trình hỗ trợ việc làm từ tháng 2. Ban đầu chương trình này đưa ra mức hỗ trợ 8% tiền lương của mức 3.600 đô la Singapore/tháng trong quãng thời gian 3 tháng. Khi dịch COVID-19 tồi tệ hơn, con số trợ cấp tăng lên 25-75% lương của mọi nhân viên trong mọi lĩnh vực. Trong thời gian diễn ra phong tỏa, mức trợ cấp lương là 75%. Sau đó, khi chính sách nới lỏng phong tỏa được áp dụng thì mức trợ cấp rơi vào khoảng 25-75%.
Các nhà phân tích đánh giá đây là mức trợ cấp “xa xỉ” mà hầu hết các quốc gia khác khó có thể triển khai. Ví dụ như Malaysia có mức hỗ trợ lương khoảng 600 ringgit (150 USD) trong một tháng cho những người lao động có thu nhập dưới 4.000 ringgit. Tính đến tháng 10, chính phủ Malaysia đã chi 12,5 tỷ ringgit – tương đương 3 tỷ USD. Trong khi đó, Chính phủ Singapore đã chi 19 tỷ USD hỗ trợ 2,7 triệu người lao động và 330.00 nhà tuyển dụng.
Chương trình hỗ trợ tiền lương của Singapore thậm chí còn vượt qua cả Hong Kong (Trung Quốc) vốn dành 81 tỷ đô la Hong Kong (10,4 tỷ USD) cho chương trình của đặc khu hành chính này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngay cả khi tình hình kinh tế liên quan đến dịch COVID-19 được cải thiện. Năm 2020 là thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế tồi tệ nhất tại Singapore kể từ khi nước này giành độc lập năm 1965.
Bộ trưởng Heng Swee Keat nhấn mạnh: “Ngay cả khi nền kinh tế dần hồi phục và một số ngành phát triển tốt thì những lĩnh vực khác vẫn chịu nhiều sức ép. Tôi sẽ điều chỉnh để duy trì khả năng phục hồi và hỗ trợ những lĩnh vực đang phát triển”.
Singapore đã thực hiện chương trình hỗ trợ tiền lương khiến các quốc gia khác phải ngưỡng mộ. Nhiều nhà phân tích cho rằng điều này bao gồm nhiều yếu tố như diện tích nhỏ, vốn dự trữ lớn của Singapore và sự nhìn xa trông rộng của chính phủ nước này khi thực hiện chương trình hỗ trợ khá sớm so với các quốc gia khác.
Bà Lee Ju Ye tại Maybank Kim Eng nhận định thành công của chương trình hỗ trợ lương cho thấy thị trường lao động của Singapore đã vượt qua mong đợi. Tổng số người thất nghiệp giảm 172.000 trường hợp trong năm 2020.