Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Việc tạo dựng nhóm, châm ngòi cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới, de dọa, nạt nộ nước khác, áp dụng phân ly kinh tế, đem đến các lệnh trừng phạt, hình thành bất hòa và cô lập sẽ chỉ đẩy thế giới này rơi vào chia rẽ hoặc thậm chí là đối đầu”.
Kênh Al Jazeera đánh giá lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc dường như muốn gửi gắm thông điệp đến tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đã không dự hội nghị trực tuyến WEF lần này mà ủy nhiệm cho đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry là đại diện của Washington.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong phát biểu dài 25 phút còn đề cập đến chủ nghĩa đa biên là phương pháp để thoát khỏi các thách thức hiện hữu. Ông đánh giá: “Chúng ta nên xây dựng một nền kinh tế mở… bãi bỏ các tiêu chuẩn, quy định và hệ thống mang tính phân biệt và loại trừ, tháo gỡ rào chắn với thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ”.
“Không một vấn đề toàn cầu nào có thể giải quyết chỉ bởi một quốc gia. Cần phải có hành động, phản ứng và hợp tác của toàn thế giới”, ông Tập Cận Bình bổ sung.
Tờ Guardian (Anh) nhận định rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Tổng thống Biden sẽ “nhẹ giọng” hơn với Bắc Kinh so với người tiền nhiệm Donald Trump. Có thông tin nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến công bố chính sách “mua hàng Mỹ” để kích thích sản xuất nội địa.
Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới và quy mô quân sự. Trong thời gian qua, nhiều nhà quan sát đã cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Dưới thời cựu Tổng thống Trump, Washington đã “tấn công” Bắc Kinh với thuế bổ sung, áp đặt lệnh trừng phạt lên một số quan chức, doanh nghiệp Trung Quốc, phản đối hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Cựu Tổng thống Trump còn đặc biệt chỉ trích Trung Quốc vì dịch COVID-19 và hai nước thậm chí còn đóng cửa lãnh sự quán trên lãnh thổ của nhau.