Một ngày cuối tháng 8/2014, tôi được gặp ông trong một buổi phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Liên bang Nga. Trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Moskva của nước Nga, Nhà Việt Nam học Kobelev Evghenhi Vasilevich (sinh năm 1938) đã bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu không chỉ của nhân dân Việt Nam.
Ông cho biết là một Nhà Việt Nam học, ông từng nghiên cứu nhiều về đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cũng từng có nhiều công trình viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và trong ánh nắng của một ngày cuối hè, ông bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ là vào năm 1959, trong một buổi lao động công ích, trồng cây tại hồ Bảy Mẫu, nơi giờ đây là Công viên Thống Nhất Hà Nội. Khi đó, ông mới 21 tuổi và là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học sinh, sinh viên Hà Nội, trong đó có cả các sinh viên nước ngoài cũng tham gia những buổi lao động công ích nhiều ý nghĩa này. Và sáng thứ 7 hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến, thăm hỏi và cùng trồng cây, cùng lao động như các sinh viên, học sinh thủ đô Hà Nội.
Phóng viên chụp ảnh cùng Nhà Việt Nam học người Nga Kobelev Evghenhi Vasilevich tại Phòng Bác Hồ, Đại sứ quán VN tại LB Nga. Ảnh: Quốc Thắng |
Sau đó, vào năm 1961, khi ông Kobelev đã trở lại Moskva và là sinh viên trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mosvka mang tên Lomonosov (MGU), ông được cử làm phiên dịch tại một kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi Đoàn đại biểu Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, tham dự. Ông cho biết Bác Hồ nói tiếng Nga rất truyền cảm. Trong bài phát biểu của mình, mà ông làm phiên dịch, ở đoạn cuối cùng, bỗng nhiên Bác chuyển sang nói bằng tiếng Nga, và ông, không cách gì khác hơn là lại chuyển từ dịch tiếng Nga sang tiếng Việt. Trong Đại hội đó, phía Liên Xô lần đầu tiên đã tổ chức phiên dịch trực tiếp cho đoàn Việt Nam và có 6 người, trong đó có Nhà Việt Nam học Kobelev, tham gia tổ phiên dịch này.
Trong những năm 1964 đến 1967, khi ông làm phóng viên thường trú của hãng thông tấn TASS tại Việt Nam, khi đó cuộc chiến tranh đã bắt đầu ác liệt, và ông đã may mắn có rất nhiều dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những dịp hội nghị quan trọng... Nhưng có một lần gặp mặt mà ông còn mãi ấn tượng, đó là vào năm 1966, tại Tòa nhà Quốc hội ở Quảng trường Ba Đình, khi đó diễn ra Đại hội Thi đua yêu nước. Sau khi trao tặng Huân chương cho các anh hùng, Bác Hồ đã phát biểu rằng, đế quốc Mỹ đang cố xâm chiếm nước ta nhưng chúng sẽ không thể làm được điều đó bởi chúng ta đã và sẽ còn sinh ra nhiều hơn nữa những người anh hùng như thế này... Rồi những lời phát biểu của Người năm sau đó, khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc rằng: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa... Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Câu nói ấy trở thành nổi tiếng toàn thế giới và còn được lưu truyền mãi cho hậu thế, trở thành kim chỉ nam, thành lẽ sống, chiến đấu của dân tộc Việt Nam.
Tạm dừng lời một chút, Nhà Việt Nam học trầm ngâm nhìn ra xa xăm, rồi ông nói tiếp: “Điều chính yếu nhất, Hồ Chí Minh là một con người rất nhân hậu. Ở Việt Nam, mọi người gọi ông không phải bằng từ ‘Chủ tịch’, ‘Đồng chí’... mà gọi bằng ‘Bác’, bởi đối với mọi người, Bác như một người thân, thật gần gũi”. Ông cho biết vào năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, phe dân chủ lên nắm quyền, rất nhiều bức tượng của các vị lãnh đạo Cộng sản bị phá bỏ thì riêng bức tượng Hồ Chí Minh vẫn tồn tại. Điều này nói lên rằng, Bác Hồ không đơn giản chỉ là một lãnh tụ cộng sản mà là một CON NGƯỜI với những chữ cái viết hoa. Vào những năm 1970, khi ông thu thập tài liệu để viết sách về Người, trong suốt 3 năm, ông luôn có một cảm nhận rằng, hàng ngày ông đang được tiếp xúc, trò chuyện với một CON NGƯỜI viết hoa.
Điều này đã gây ấn tượng rất mạnh mẽ mà ông không bao giờ quên, ấn tượng về những lần được gặp Hồ Chí Minh. Và đây, những cuốn sách về Người: “Người Nga hồi tưởng về Hồ Chí Minh”; rồi cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt mang tên “Đồng chí Hồ Chí Minh”... Cuốn sách này rất quý giá đối với mọi người. Nó đã được xuất bản vào năm 2010, nhân hướng tới kỷ niệm tròn 90 năm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến Moskva. Cuốn sách này còn rất giá trị khi tại hội thảo do Viện Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp này, với sự có mặt của khoảng 50 học giả Mỹ, Anh, Pháp... cuốn sách này đã được giới thiệu và gửi tặng. Ông rất cảm động khi cuốn sách, mà ông là tác giả này lại được đánh giá cao như vậy.
Trong một cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà Việt Nam học Kobelev cũng đề cập nội dung Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam trước lúc đi xa. Nhân kỷ niệm tròn 45 năm bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố trong lễ truy điệu Người (ngày 9/9/1969 - 9/92014), Nhà Việt Nam học này cho biết: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi được công bố ở Việt Nam đã được dịch ngay sang tiếng Nga và đăng trên báo Sự Thật. Bản Di chúc đã tác động mạnh mẽ đến tình cảm của nhiều người bởi vì nó được viết không phải bởi một nhà chính trị xuất sắc mà là của một người dành toàn bộ tình cảm cho nhân dân mình, người đã dẫn dắt nhân dân mình tới thắng lợi. Ông cho biết mình còn nhớ như in rằng, khi đó, cả các phóng viên, cũng như ông, khi đó đã là cán bộ của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đều cảm kích vô cùng trước Di chúc của Người. Bởi vì: Trong đó là những lời lẽ bất tử.
Và bởi trong đó toát lên những ý rất hay, cô đọng trong 3 nội dung: Nhân dân Việt Nam sẽ giành thắng lợi; Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phong trào cộng sản quốc tế vào thời điểm đó; và rất lo lắng khi thấy quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc rạn nứt. Người cũng bày tỏ hy vọng là mọi việc sẽ trở lại bình thường. Và ngày nay, chúng ta đã chứng kiến, mối quan hệ giữa 3 nước Nga, Trung Quốc, Việt Nam phát triển như mong muốn của Người, trở thành những đối tác của nhau. Mặc dù quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang có những vấn đề trên Biển Đông, nhưng tựu chung lại cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang xây dựng CNXH và tồn tại ở cả hai nước là Đảng Cộng sản. Ở Nga thì Đảng Cộng sản không cầm quyền nhưng có thể nói, Nga đã duy trì quan hệ đối tác tốt với cả Việt Nam và Trung Quốc. Và đó đã là ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi nói về những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước Nga, Nhà Việt Nam học Kobelev nói: Hồ Chí Minh đã đến Moskva nhiều lần. Trên Quảng trường Hồ Chí Minh ở thủ đô Moskva, nơi đặt tượng của Người, vào những ngày 19/5, ngày 2/9... hàng năm, những người Nga thuộc các phong trào, tổ chức đoàn kết với Việt Nam như Hội Hữu nghị, Tổ chức Hòa bình... cùng với ĐSQ Việt Nam tại Nga đã tới đây đặt hoa. Ngoài ra, tại phố Mokhovaya ở gần Quảng trường Đỏ có tấm biển đồng ghi nhận nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc cho Quốc tế Cộng sản. Ở Vladivostok, tại nhà ga tàu hỏa, cách đây 3 năm đã gắn tấm biển đồng ghi: “Tại nhà ga này, những năm 30 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh thường từ đây đi Moskva”.
Nhà Việt Nam học Kobelev cho biết tiến tới kỷ niệm lần thứ 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2015), các nhà Việt Nam học và các chuyên gia nghiên cứu các vấn đề lịch sử và chính trị các nước Đông Dương đã đề nghị lên chính quyền thành phố Moskva gắn biển cho tòa nhà ĐSQ Việt Nam ở thủ đô Moskva, là nơi Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần lui tới thăm hỏi, gặp mặt cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Liên Xô. Ngoài ra, theo ông, một số nhà Việt Nam học và những người bạn Nga của Việt Nam đang nuôi dưỡng và xúc tiến thực hiện ý tưởng: gắn biển một phòng lưu niệm Hồ Chí Minh tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông, nơi trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, cuốn sách, báo về Người. Ông cho biết đã thống nhất với Học viện Hồ Chí Minh, cùng xúc tiến thực hiện ý tưởng này.
Quế Anh (P/v TTXVN viết từ Moskva)