Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), phát biểu trước Ủy ban phân bổ ngân sách Thượng viện ngày 3/5, Bộ trưởng Lloyd bày tỏ ông hy vọng trong lần gặp đầu tiên với Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của đối thoại và duy trì các kênh đối thoại mở. Hai nhà chức trách đã có cuộc điện đàm đầu tiên vào ngày 20/4 vừa qua.
“Cả hai chúng tôi đều muốn đảm bảo rằng chúng tôi làm việc cùng nhau để thúc đẩy an ninh và tính ổn định trong khu vực. Vì vậy tôi rất mong, một lần nữa, được kết nối với ông ấy trong một tương lai không xa. Tôi chắc chắn sẽ gặp ông ấy tại Đối thoại Shangri-La vào tháng 6”, Bộ trưởng Lloyd nhấn mạnh.
Những lo ngại về an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn là một trở ngại trong quan hệ Mỹ-Trung, một mối quan hệ đã xuống mức thấp kể từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong khi Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh trong việc ép buộc các nước láng giềng chấp nhận các vị trí địa chính trị thì Bắc Kinh cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây bất ổn trong khu vực với các liên minh quốc phòng như Aukus - quan hệ đối tác quốc phòng giữa Mỹ và Anh và Australia.
Bộ trưởng Austin cho biết Trung Quốc vẫn luôn là một “thách thức lớn” đối với nước này. Mỹ đã dành 6 tỷ USD ngân sách cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương.
“Để phù hợp với chiến lược quốc phòng mới, chúng ta sẽ tăng cường thế trận lực lượng, cơ sở hạ tầng, sự hiện diện và mức độ sẵn sàng của lực lượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - bao gồm cả phòng thủ tên lửa Guam”, nhà chức trách nhấn mạnh.
Trước đó, trong Đối thoại Shangri-La tổ chức năm 2019, Thượng tướng Nguỵ và quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã có dịp gặp mặt. Trong hai năm 2020-2021, Đối thoại Shangri-La bị huỷ do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Năm nay, hội nghị dự kiến tổ chức từ ngày 10 đến 12/6.
Giới phân tích quân sự cho rằng không nên mong đợi các cuộc đối thoại giữa hai bộ trưởng quốc phòng có thể giải quyết các vấn đề an ninh và quốc phòng chính mà hai nước đang phải đối mặt.
Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Có rất ít quan điểm chung giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm này”.
“Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường hiện đại hóa quân sự để chạy đua với Mỹ… Bên cạnh đó, một sự hợp tác với Trung Quốc có thể xung đột với môi trường chính trị hướng tới sự cạnh tranh giữa hai nước. Quan điểm duy nhất mà hai bên thực sự có cơ hội làm việc cùng nhau là giảm thiểu rủi ro - về cơ bản là tìm cách giảm nguy cơ xung đột không chủ đích giữa hai quân đội”, chuyên gia Thompson nhận xét.
Điều này bao gồm việc đảm bảo các giao thức hiện có để ngăn chặn các cuộc đụng độ một cách hiệu qua, như Thỏa thuận Tham vấn Hàng hải Quân sự (MMCA) và đưa ra các cảnh báo nâng cao để giúp mỗi bên hiểu ý định của nhau.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các vấn đề địa chính trị gây tranh cãi bao gồm tranh chấp Biển Đông, eo biển Đài Loan (Trung Quốc) và hiệp ước an ninh quần đảo Solomon, không thể được giải quyết thông qua đối thoại. Nhà phân tích giải thích những vấn đề này không phải là vấn đề quân sự mà là vấn đề ngoại giao.
Theo Zhou Chenming - nhà phân tích tại viện nghiên cứu Techxcope ở Bắc Kinh, hiện Washington cũng giảm nhẹ lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc bằng cách hoãn việc bán lựu pháo cho Đài Loan và công khai nói rằng không có quốc gia nào ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống Ukraine.
“Tôi lạc quan một cách thận trọng. Tôi hy vọng sẽ có một kết quả tốt từ cuộc gặp của hai bộ trưởng. Trung Quốc và Mỹ vẫn có những khác biệt. Làm thế nào để quản lý khủng hoảng và giải quyết những khác biệt cần được đối thoại nhiều lần”, chuyên gia Zhou nói thêm ông mong đợi các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan và cuộc chiến Ukraine sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng 6.
Ông Zhou chỉ ra những khác biệt còn bao gồm việc Mỹ tham gia “Bộ tứ kim cương” QUAD và Aukus, mà Bắc Kinh cho rằng đó là những liên minh nhắm mục tiêu vào Trung Quốc.
“Cả hai bên cần phải thành thật đối mặt với một số sự thật. Ví dụ, sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng. Cả hai bên cần suy nghĩ về cách duy trì sự cân bằng mới này ở châu Á-Thái Bình Dương ”, chuyên gia Zhou nhấn mạnh.
Trong cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm hoặc khả năng của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia.