Chính sách Ánh dương phiên bản mới của Tổng thống Hàn Quốc có thành công với Triều Tiên?

Giống như các lãnh đạo tiền nhiệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn phải quan tâm đặc biệt vấn đề CHDCND Triều Tiên. Cuộc gặp ngày 27/4 sắp tới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá sẽ là bài kiểm tra đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in.

Kể từ khi lên đảm nhận vị trí Tổng thống, ông Moon Jae-in phải đối mặt với những vấn đề nổi cộm như vụ việc của người tiền nhiệm Park Geun-hye, sự thống trị của chaebol (tập đoàn gia đình) trong xã hội Hàn Quốc và cam kết cải tổ hệ thống chính trị quốc gia.

Kênh CNN (Mỹ) đánh giá ông Moon Jae-in đã dần đạt được tiến trình tháo gỡ các vấn đề trên nhưng “bài kiểm tra” lớn nhất định đoạt thành công hoặc thất bại của Tổng thống Hàn Quốc lại nằm ở cuộc đối thoại với Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters

Ông Oliver Hotham tại công ty tư vấn Korea Risk Group đánh giá: “Trong những năm gần đây chưa có Tổng thống Hàn Quốc nào phải tập trung nhiều như vậy vào quốc gia hàng xóm Triều Tiên. Ông Moon Jae-in còn phải đối mặt với nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán nhất trong thập niên qua và buộc phải áp dụng nhiều biện pháp ngoại giao linh hoạt về vấn đề này”.

Chính sách Ánh dương mới?


Trong thời điểm vận động tranh cử chức Tổng thống, phương pháp ông Moon Jae-in đưa ra về Triều Tiên được so sánh với Chính sách Ánh dương mà các cố Tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun từng theo đuổi nhưng về thực tiễn lại có khác biệt.

Cố Tổng thống Kim Dae-jung từng được vinh danh nhận Giải Nobel Hòa bình năm 2000 với Chính sách Ánh dương. Theo đó, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ về mặt ngoại giao và kinh tế cũng như nhân đạo cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, Chính sách Ánh dương đã gặp nhiều khó khăn dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush - người đã liệt Triều Tiên vào “Trục ma quỷ” trong năm 2002. Ngay năm sau đó, Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Về phần Tổng thống Moon Jae-in, mặc dù ủng hộ Chính sách Ánh dương nhưng ông cũng đứng về phía người đồng cấp Mỹ Donald Trump cứng rắn với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trong năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in còn gật đầu để Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Ông Rodger Baker tại công ty Stratfor (Mỹ) phân tích: "Tổng thống Moon Jae-in vẫn duy trì hợp tác thân thiết với Mỹ đồng thời tìm kiếm những bước tiến nhỏ nhưng chắc chắn để làm dịu bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".

Cổ vũ tại quê nhà

Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in vẫn nhận được sự ủng hộ cao. Trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây do công ty Gallup tại Hàn Quốc tiến hành trong tháng 3, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Moon Jae-in là 70%.

Ông Oliver Hotham đánh giá phương pháp thiên về ngoại giao của Tổng thống Moon Jae-in với Triều Tiên đã có hiệu quả.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh CNN năm 2017, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng ông muốn được nhớ đến là một nhà lãnh đạo “xây dựng mối quan hệ hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”. Sự kiện thể thao Olympic mùa Đông tại Pyeongchang vừa qua được coi là một thành công bước đầu.

CNN cho rằng thất bại trong đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể không gây “tổn thương” cho Tổng thống Hàn Quốc về mặt dài hạn nhưng có thể tác động với các kế hoạch của riêng ông, đặc biệt trong trường hợp Đảng Dân chủ Hàn Quốc của ông đạt kết quả không mong đợi trong cuộc bầu cử địa phương trong năm 2018 này.

Hà Linh/Báo Tin tức
New Zealand cũng muốn trục xuất điệp viên Nga... nhưng không tìm thấy ai
New Zealand cũng muốn trục xuất điệp viên Nga... nhưng không tìm thấy ai

"Chúng tôi không xác định được quan chức tình báo ngầm nào ở đây. Nếu thấy, chúng tôi đã trục xuất họ", nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN