Trong một tuyên bố, chính quyền Taliban cho biết đã nhiều lần thúc giục các phái bộ chính trị và lãnh sự Afghanistan tại châu Âu hợp tác với chính quyền ở Kabul, nhưng hầu hết hành động của các phái bộ này “đều được thực hiện một cách tùy tiện, không có sự phối hợp và vi phạm những nguyên tắc hiện hành đã được chấp nhận”.
Chính quyền Taliban nhấn mạnh người dân Afghanistan ở nước ngoài nên làm việc với các phái bộ trực thuộc “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” - tên tự xưng mà Taliban đặt cho đất nước dưới sự cai trị của họ.
Chính quyền Taliban cũng khẳng định sẽ “không chịu trách nhiệm” về các giấy tờ tùy thân bao gồm hộ chiếu và thị thực do các phái bộ ngoại giao tại nước ngoài cấp không phù hợp với chế độ hiện nay ở Kabul.
Các phái bộ này bao gồm đại sứ quán tại các nước Anh, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, Pháp, Italy, Hy Lạp, Ba Lan, Thụy Điển, Na Uy, Canada và Australia. Trong khi đó, các Đại sứ quán tại Pakistan, Trung Quốc và Nga nằm trong số các cơ quan ngoại giao của Afghanistan làm việc theo lệnh của chính quyền Taliban.
Việc Taliban tiếp quản đất nước năm 2021 đã khiến những nhà ngoại giao làm việc tại các phái bộ nước ngoài của Afghanistan rơi vào tình trạng bấp bênh do khó khăn về tài chính, phụ thuộc rất nhiều vào chi phí lãnh sự để trả lương cho nhân viên, tiền thuê nhà và các hóa đơn.