Phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, một nhân vật trong chính quyền quân sự ở Niger nêu rõ: "Biên giới trên bộ và trên không với Algeria, Burkina Faso, Libya, Mali và Chad đã được mở lại từ hôm nay (ngày 1/8)".
Trước đó vài giờ, chuyến bay đầu tiên của Pháp sơ tán công dân nước này và châu Âu tại Niger đã cất cánh, chở theo 262 người, trong đó có khoảng 10 trẻ em.
Hãng AFP đưa tin máy bay này đã hạ cánh tại sân bay Paris Roissy Charles de Gaulle sáng sớm 2/8.
Phát biểu với báo giới trước khi máy bay hạ cánh, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết hầu hết hành khách trên chuyến bay là công dân Pháp, cùng một số người là công dân châu Âu.
Pháp quyết định sơ tán công dân sau khi nhiều người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp tại Niger ngày 30/7, cáo buộc Paris có ý định can thiệp quân sự vào Niger. Trong một tuyên bố, quân đội Pháp cho biết 3 chiếc máy bay, trong đó có 2 chiếc Airbus A330, đã rời miền Nam nước Pháp đến sân bay quốc tế Diori Hamani ở Niamey để sơ tán công dân. Tuy nhiên, quân đội Pháp cho biết hiện nước này chưa có kế hoạch rút 1.500 binh sĩ khỏi Niger.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ không cùng các đồng minh châu Âu tham gia sơ tán công dân, song nước này đã ngừng các hoạt động tại Niger, trong đó có hoạt động huấn luyện các lực lượng của nước này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ hiện Washington "chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về các mối đe dọa trực tiếp" đối với công dân hay các cơ sở của Mỹ tại Niger, do đó, Mỹ chưa thay đổi sự hiện diện tại đây vào thời điểm này. Ông kêu gọi công dân Mỹ ở Niger ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn. Theo ông Kirby, Washington vẫn nhận thấy "cánh cửa" ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Niger và đang theo dõi sát tình hình. Ước tính hiện có khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Niger giúp nước này đối phó với các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực.
Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc. Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết quân đội Mỹ hiện đang tập trung đảm bảo an toàn cho binh lính nước này ở Niger.
Cũng trong ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat, thảo luận tình hình hiện nay ở Niger. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã nhắc lại các ưu tiên chung giữa Mỹ và AU đối với tình hình Niger, trong đó có việc Tổng thống Mohamed Bazoum được trả tự do ngay lập tức, đồng thời luật pháp được tôn trọng và đảm bảo an toàn cho người dân. Hai bên cũng hoan nghênh sự hợp tác và vai trò dẫn dắt của khu vực để khôi phục trật tự ở Niger.
Theo kế hoạch, các tướng lĩnh quân sự của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhóm họp tại thủ đô Abuja của Nigeria từ ngày 2-4/8 để thảo luận tình hình Niger. Trước đó, ngày 30/7, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger, đồng thời cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu trong 1 tuần chính quyền quân sự ở Niger không phục chức cho Tổng thống Mohammed Bazoum.