Theo trang The Guardian, ngày 16/6, quân đội Israel tuyên bố tạm dừng giao tranh hàng ngày ở khu vực Rafah lúc 8 giờ sáng cho đến 7 giờ tối. Vị trí tạm dừng giao tranh là dọc theo con đường chính Salah al-Din, để cho phép xe tải viện trợ đi qua từ Israel. Theo quân đội Israel, giai đoạn tạm dừng sẽ diễn ra hàng ngày cho đến khi có thông báo mới.
Một quan chức Israel giấu tên nói với truyền thông vào cuối ngày 16/6: “Khi Thủ tướng nghe báo cáo về việc tạm dừng nhân đạo kéo dài 11 giờ vào buổi sáng, ông ấy đã quay sang Bộ trưởng Quốc phòng và nói rõ rằng điều này là không thể chấp nhận được”.
Quan chức này cho biết ông Netanyahu đã được đảm bảo rằng không có thay đổi trong chính sách của quân đội và cuộc giao tranh ở Rafah vẫn tiếp tục như kế hoạch.
Các đài truyền hình Israel dẫn lời ông Netanyahu chỉ trích quân đội: “Chúng ta có một đất nước có quân đội, không phải quân đội có một đất nước”.
Quân đội Israel làm rõ rằng các hoạt động bình thường sẽ tiếp tục ở Rafah và đây là trọng tâm chính trong hoạt động ở miền Nam Gaza. Tuy nhiên, phản ứng của ông Netanyahu cho thấy những căng thẳng chính trị về vấn đề viện trợ Gaza - nơi các tổ chức quốc tế đã cảnh báo rằng khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel, ông Itamar Ben-Gvir, đã bác bỏ ý tưởng tạm dừng chiến thuật, nói rằng bất cứ ai quyết định điều này đều là một “kẻ ngu ngốc” và cần rời ghế.
Cuộc tranh cãi về giai đoạn tạm dừng chiến thuật nói trên là vụ mới nhất trong một loạt tranh cãi giữa các thành viên của liên minh cầm quyền và quân đội Israel về cách tiến hành cuộc chiến ở Gaza mà đã bước sang tháng thứ 9.
Tranh cãi này diễn ra một tuần sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz rời khỏi chính phủ và cáo buộc Thủ tướng Netanyahu không có chiến lược hiệu quả ở Gaza.
Quân đội Israel công bố thời gian tạm dừng giao tranh 11 tiếng mỗi ngày sau các cuộc đàm phán với Ai Cập và áp lực từ Mỹ nhằm tăng cường dòng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Theo quân đội Israel, giai đoạn tạm dừng giao tranh này diễn ra dưới sự phối hợp với Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế.
Ông Jens Laerke, người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết ông hoan nghênh thông báo này. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Điều này vẫn chưa mang lại nhiều viện trợ hơn cho những người có nhu cầu”.
Trước đó, ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn ở Gaza, nói rằng đó là cách tốt nhất để giúp đỡ dân thường đang phải chịu nỗi kinh hoàng của cuộc chiến giữa Hamas và Israel.
Ông nói: “Quá nhiều người vô tội đã thiệt mạng, trong đó có hàng nghìn trẻ em. Các gia đình đã rời bỏ nhà cửa và chứng kiến cộng đồng bị phá hủy. Nỗi đau của họ là vô cùng lớn”.
Mỹ đã hối thúc Israel và Hamas chính thức chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn mà Mỹ hậu thuẫn và các thành viên Hội đồng Bảo an ủng hộ vào tuần trước. Theo đó, đề xuất gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với lệnh ngừng bắn đầy đủ và toàn diện kéo dài 6 tuần. Trong giai đoạn thứ hai, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch. Giai đoạn thứ ba sẽ bao gồm kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Nhưng bất chấp áp lực quốc tế ngày càng tăng để ngừng bắn ở Gaza, các bên vẫn chưa thể thống nhất thỏa thuận.
Mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Israel ủng hộ mục tiêu tiêu diệt Hamas của chính phủ, nhưng vẫn có những cuộc biểu tình phản đối chính phủ vì đã không hành động nhiều hơn để giải thoát con tin.