Ông Laurent Berger, lãnh đạo CFDT - công đoàn lớn nhất tại Pháp, và một số công đoàn khác ở nước này đang kêu gọi Tổng thống Emmanuel Macron đình chỉ luật cải cách hưu trí, đề nghị áp dụng phương thức gian hòa giải vì chính phủ và công đoàn vẫn bất đồng quan điểm. Đáp lại, người phát ngôn Chính phủ Pháp nhấn mạnh Nội các sẵn sàng thảo luận những điều chỉnh chính sách khác, song sẽ giữ nguyên các quy định trong luật cải cách hưu trí mới.
Trong cuộc biểu tình mới nhất trên toàn quốc với khoảng 740.000 người tham gia, hàng loạt hành vi biểu tình quá khích đã xảy ra ở nhiều nơi. Tại Paris, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình quá khích. Nhiều vụ đụng độ tương tự cũng đã xảy ra tại các thành phố khác như Rennes, Bordeaux, Toulouse,... Thậm chí tại Nantes, người biểu tình còn đốt phá trước chi nhánh ngân hàng BNP Paribas và phóng hỏa nhiều ô tô. Cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình quá khích.
Theo ghi nhận của hãng tin Reuters (Anh), số vụ đụng độ trong các cuộc biểu tình ít hơn so với tuần trước khi phần lớn xuống đường biểu tình với thái độ ôn hòa.
Hàng triệu người đã tổ chức biểu tình và đình công kể từ giữa tháng 1 năm nay nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi hưu của Tổng thống Macron. Biểu tình gia tăng đáng kể từ khi chính phủ sử dụng quyền hạn đặc biệt để thông qua luật tại Hạ viện mà không cần bỏ phiếu. Tổng thống Macron cho rằng luật cải cách hưu trí là cần thiết nhằm đảm bảo sự cân bằng của hệ thống tài chính.
Trong nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình, ngày 27/3, Thủ tướng Elisabeth Borne thông báo sẽ tiến hành thảo luận với các công đoàn vào ngày 3-4/4 tới nhằm xem xét những biện pháp giảm bớt tác động của luật cải cách hưu trí đối với các công việc đòi hỏi thể chất; điều kiện cho người lao động lớn tuổi và quá trình đào tạo lại, qua đó giảm bớt những lo ngại của người lao động phản đối luật này.