Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chính quyền tỉnh Osaka cho biết ngày 15/4, tỉnh này ghi nhận 1.208 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở tỉnh này gia tăng ở mức cao kỷ lục. Trong khi đó, thủ đô Tokyo phát hiện thêm 729 ca, cao nhất kể từ ngày 4/2 – thời điểm thành phố này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp.
Trước đó một ngày, Nhật Bản đã ghi nhận 4.312 ca nhiễm mới trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày kể từ ngày 28/1. Đáng chú ý, tỉnh Osaka ghi nhận thêm 1.130 ca, tỉnh Hyogo - 507 ca, thủ đô Tokyo - 591 ca, tỉnh Aichi - 16 ca và tỉnh Kanagawa - 205 ca.
Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 500 ca/ngày ở Hyogo và lần đầu tiên số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 200 ca/ngày ở các tỉnh Aichi và Kanagawa, lần lượt kể từ ngày 28/1 và 6/2.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cho phép chính quyền 3 tỉnh Saitama, Kanagawa và Aichi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào tuần tới cùng với 6 tỉnh, thành đã triển khai các biện pháp này. Ngoài ra, theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản, tỉnh Chiba có thể sẽ nằm trong danh sách này nếu thống đốc tỉnh đề nghị.
Cùng ngày 15/4, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết chính phủ sẽ làm "mọi cách có thể" để ngăn chặn dịch bệnh trước thềm Olympic và Paralympic Tokyo sau khi một quan chức trong đảng cầm quyền ở nước này cho biết việc hủy sự kiện thể thao này có thể là một phương án nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi.
Hãng tin Kyodo dẫn lời Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản, ông Toshihiro Nikai, nhân vật số 2 trong đảng cầm quyền sau Thủ tướng Suga Yoshihide, cho biết: “Nếu không khả thi thì cần phải hủy bỏ Olympic Tokyo”. Tuy nhiên, ông Nikai nhấn mạnh rằng việc đăng cai Olympic Tokyo là “cơ hội lớn” đối với Nhật Bản và cần tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo thành công của Thế vận hội mùa Hè này.