Bút tiêm insulin được sản xuất tại công ty dược của Mỹ ở Fegersheim, miền đông Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo tiết lộ từ hai nguồn tin nội bộ trong ngành dược, chính sách này có khả năng được đưa ra từ cơ quan phụ trách chương trình y tế Medicare và Medicaid. Một trong hai nguồn tin xác nhận đã được giới chức y tế Mỹ thông báo trực tiếp rằng phương án này đang được xem xét, và được xếp vào mức ưu tiên trung bình trong nỗ lực hạ giá thuốc của Chính phủ.
Nguồn tin trên cũng nói thêm rằng so với các biện pháp khác như đánh thuế thuốc nhập khẩu, chính sách này đáng lo ngại hơn nhiều, và được xem là “mối đe dọa hiện hữu lớn nhất đối với ngành dược và đổi mới y sinh của Mỹ”.
Hiệp hội các hãng dược phẩm (PhRMA) đã vận động hành lang Quốc hội về vấn đề này từ đầu năm. Chính sách được gọi là "định giá tham chiếu quốc tế", tức so sánh và điều chỉnh giá thuốc trong nước theo giá ở các nước khác. Mỹ hiện là nước có giá thuốc cao nhất thế giới, thường gấp gần ba lần so với các quốc gia phát triển khác. Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố muốn thu hẹp mức chênh lệch này, nhưng chưa công bố cách thức cụ thể. Trong nhiệm kỳ đầu, đề xuất định giá tham chiếu của ông đã bị tòa án chặn lại.
Theo tính toán của chính quyền Mỹ, đề xuất năm 2018 có thể giúp tiết kiệm hơn 85 tỷ USD cho người đóng thuế trong vòng 7 năm, giữa bối cảnh Mỹ chi hơn 400 tỷ USD mỗi năm cho thuốc men.
Các sáng kiến về giá thuốc thường được triển khai từ Trung tâm Đổi mới Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMMI), có thể kéo dài nhiều năm và áp dụng cho cả hai chương trình Medicare và Medicaid.
Dù ông Trump chưa đề cập lại chính sách định giá tham chiếu từ khi tái đắc cử, nhưng Viện chính sách America First Policy Institute mới đây đã gợi lại ý tưởng này trong một nghiên cứu được lan truyền rộng rãi, cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng trong đàm phán giá thuốc của Medicare.
Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Đạo luật Giảm lạm phát đã cho phép chính phủ đàm phán giá của các loại thuốc đắt nhất. Tuy nhiên, theo Reuters, giá các loại thuốc này sau đàm phán vẫn cao gấp đôi, thậm chí gấp năm lần so với mức giá mà các nước phát triển khác đã thương lượng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chính quyền Tổng thống Trump sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai, ngay cả với phạm vi hạn chế. Bà Anna Kaltenboeck, chuyên gia kinh tế y tế tại công ty nghiên cứu Verdant, cho rằng Cơ quan Medicare có thể không đủ nhân lực để thực hiện chính sách phức tạp như vậy.
Ngoài ra, kế hoạch tinh giản nhân sự của ông Trump- dự kiến cắt giảm khoảng 300 nhân viên tại Medicare, một phần trong tổng số 10.000 nhân sự bị ảnh hưởng- cũng gây cản trở kế hoạch này.
Việc áp dụng rộng rãi chính sách này cũng sẽ gặp trở ngại do thị trường Mỹ có hàng ngàn loại thuốc được phê duyệt – nhiều loại trong số đó không có mặt tại các quốc gia tham chiếu. Hơn nữa, các nước này đôi khi mất nhiều năm để đàm phán giá thuốc.
Một số quốc gia không công bố giá thuốc, điều này khiến việc tính toán giá tham chiếu thêm phức tạp. Bà Rena Conti, Phó Giáo sư tại Đại học Boston, cho rằng Chính phủ Mỹ có thể ước tính dựa vào dữ liệu công khai, nhưng những con số này thường không bao gồm mức chiết khấu thực tế đã được đàm phán.