Cơ quan chức năng tỉnh Preah Sihanouk kêu gọi những người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân trên cần đi xét nghiệm ngay và tự cách ly trong vòng 14 ngày. Mọi hoạt động tại khu chợ lớn nhất thành phố Preah Sihanouk tiếp tục bị dừng sau khi chính quyền tỉnh đóng cửa Phsar Leu từ cách đây hơn 2 tuần.
Tại thủ đô Phnom Penh, sau khi xảy ra một số vụ biểu tình đòi chính quyền phân phối lương thực tại các “Khu vực Đỏ” bị phong tỏa phòng COVID-19, người phát ngôn Chính phủ Campuchia Phay Sipphan đã yêu cầu ngừng ngay những lời lẽ kích động trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực ứng phó với đại dịch.
Theo thông báo của Cơ quan phát ngôn Chính phủ Campuchia, một số kẻ cơ hội đã lợi dụng mạng xã hội để tung thông tin kích động và tạo bất ổn xã hội. Ông Phay Siphan khẳng định những đối tượng này phải ngừng ngay hành động gây rối loạn xã hội hoặc sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine cũng kêu gọi người dân ở 4 quận thuộc “Khu vực Đỏ” của Phnom Penh kiên nhẫn chờ đến lượt tiêm chủng vaccine, tránh đổ xô về những điểm tiêm chủng có thể gây tình trạng quá tải và tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Bà lưu ý người dân tại khu vực này cần đảm bảo các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay trước khi đi tiêm chủng và thực hiện tốt biện pháp giãn cách xã hội.
Từ ngày 1/5, lực lượng quân y Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở 4 quận thuộc "Khu vực Đỏ" của thủ đô Phnom Penh.
Đợt tiêm chủng lần này được thực hiện tại gần 33 phường trên địa bàn 4 quận là Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol. "Khu vực Đỏ" ở Phnom Penh có tổng số 805.033 người dân và công nhân cần được tiêm phòng COVID-19. Khoảng 29% trong số này (tương đương 233.460 người) đã được tiêm phòng và khoảng 100.000 công nhân tiếp tục được tiêm mũi thứ hai.
Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine Sinovac và 400.000 liều Sinopharm trong kho dự trữ. Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân "Khu vực Đỏ".
Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 gồm 3 loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trong 24 giờ qua, Thái Lan đã ghi nhận thêm 1.940 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 68.984 ca. Số ca mắc mới ghi nhận ngày 2/5 cao hơn con số 1.891 ca công bố một ngày trước đó.
Cũng trong 24 giờ qua, số người tử vong do mắc COVID-19 tại Thái Lan đã tăng thêm 21 người, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 245 người. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số người tử vong vì COVID-19 trong một ngày tại Thái Lan ở mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, nhà chức trách y tế Thái Lan đã chuyển hướng tập trung vào các ca nhiễm trong hộ gia đình khi số ca mắc mới giữa các thành viên trong gia đình tiếp tục tăng ở mức báo động. Phần lớn các trường hợp tử vong, với độ tuổi trung bình là 73, đều nhiễm virus SARS-CoV-2 từ gia đình họ.
Bangkok, Chiang Mai, Chon Buri, Samut Prakan và Nonthaburi là 5 tỉnh có số ca nhiễm mới cao nhất trong số 77 tỉnh của Thái Lan. Tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) ngày 1/5, Cục Kiểm soát dịch bệnh đã đặt mục tiêu đưa số lượng các ca mắc mới trong 1 ngày ở thủ đô xuống dưới 400, hoặc 8 ca ở mỗi quận, khi thành phố đẩy mạnh các biện pháp để kiểm soát sự lây lan.