Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 1/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.010 ca mắc COVID-19 và 390 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 3.422.220 trường hợp và 68.124 ca tử vong. Toàn khối có 3.104.486 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 220 ca. Indonesia ghi nhận 131 ca tử vong, Malaysia thêm 15 ca, Thái Lan thêm 21 ca và Campuchia ghi nhận 3 ca tử vong mới.
Với 4.512 ca nhiễm mới, Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.672.880 ca bệnh và 4.512 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.
Trong khi đó, Philippines ghi nhận ca tử vong mới và nhiễm mới ở mức cao nhất khu vực, với 9.226 ca nhiễm và 220 ca tử vong trong ngày 1/5. Nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.046.653 ca bệnh, trong đó có 17.354 ca tử vong và 957.051 ca bình phục.
Dịch bệnh đang diễn biến rất "nóng" tại Thái Lan khi số ca nhiễm mới ở mức 1.891 người/ngày. Cùng ngày nước này ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục từ khi dịch bắt đầu, với 21 ca.
Campuchia: Khẩn trương tiêm phòng cho "Khu vực Đỏ"
Ngày 1/5, lực lượng quân y Campuchia sáng cùng ngày đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở nơi có mức độ lây nhiễm COVID-19 cao hay còn gọi là "Khu vực Đỏ" thuộc thủ đô Phnom Penh.
Tướng Ith Sarath, Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia và Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng sẽ chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ chương trình tiêm chủng lần này tại gần 33 phường trên địa bàn 4 quận là Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol. Tướng Ith Sarath cho biết "Khu vực Đỏ" ở Phnom Penh có tổng số 805.033 người dân và công nhân cần được tiêm phòng COVID-19.
Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine Sinovac và 400.000 liều Sinopharm trong kho dự trữ. Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng COVID-19 cho người dân "Khu vực Đỏ".
Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 gồm ba loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).
Cùng ngày 1/5, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận thêm 388 ca mắc mới COVID-19, giảm khoảng 50% so với một ngày trước đó.
Trong số 388 ca mắc mới có một ca nhập cảnh là người Campuchia 29 tuổi từ Thái Lan về nước hôm 29/4. Số ca còn lại đều do lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Kandal, Kampong Cham, Banteay Meanchey, Kampong Speu, Takeo, Prey Veng, Siem Reap và Svay Rieng.
Như vậy, tính đến sáng 1/5, Campuchia ghi nhận tổng cộng 13.790 ca mắc COVID-19, trong đó 5.200 ca đã hồi phục và 96 ca tử vong.
Thái Lan ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất
Ngày 1/5, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này ghi nhận thêm 21 ca tử vong do COVID-19 - mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay.
Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.891 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới 67.022 ca, bao gồm 224 ca tử vong.
Thái Lan đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3. Đây là đợt dịch lây lan mạnh nhất tại nước này sau hơn 1 năm thành công kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Đợt dịch bùng phát có liên quan đến biến thể lây nhiễm nhanh B.1.1.7, chiếm tới 50% tổng số ca nhiễm và tử vong.
Trong khi đó, từ ngày 1/5, người dân Thái Lan đã có thể đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm 16 triệu người trên 60 tuổi có hoặc không có bệnh lý nền như tiểu đường. Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đại trà của Thái Lan sẽ bắt đầu từ tháng 6 khi nước này có được lô vaccine AstraZeneca gồm 61 triệu mũi sản xuất trong nước. Thái Lan đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm chủng cho 70% dân số.
Malaysia cân nhắc kéo dài lệnh hạn chế di chuyển
Ngày 1/5, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết nước này đang cân nhắc kéo dài Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) tại các bang có số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến.
Thủ tướng Yassin nhấn mạnh việc gia hạn MCO nhằm đảm bảo ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở Malaysia cũng như các quốc gia khác. Ông nêu rõ Chính phủ Malaysia đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm Nhận dạng điểm nóng (HIDE) để xác định các khu vực có nguy cơ, sẽ phải thực hiện phong tỏa nếu phát hiện có nhiều trường hợp dương tính từng đến đây. Thông qua hệ thống HIDE, việc giám sát sẽ được tiến hành hằng ngày để xác định các địa điểm công cộng có nguy cơ cao.
Thủ tướng Malaysia cũng kêu gọi người dân luôn tuân thủ các quy định phòng dịch và tránh đến những nơi đông người để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo số liệu của Bộ Y tế Malaysia, trong ngày 30/4, nước này có 3.788 ca mắc mới COVID-19, chủ yếu ở bang Selangor. Số ca mắc mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này đã trở lại mức trên 2.000 ca từ ngày 15/4 đến nay, và lần đầu tiên trong hơn 2 tháng qua, con số này trở lại trên ngưỡng 3.000 ca (ngày 28/4). Các ổ dịch mới vừa được phát hiện tại khu vực dân cư, trường học, mà không phải công sở như giai đoạn dịch bệnh trước đây.
Philippines tiếp nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên
Cùng ngày 1/5, Philippines tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V đầu tiên từ Nga.
Theo Bộ Y tế Philippines, 15.000 liều vaccine Sputnik V sẽ được sử dụng ở 4 thành phố thuộc vùng thủ đô Manila, tâm dịch COVID-19 ở nước này. Lô vaccine này theo kế hoạch đến Philippines vào ngày 25/4 vừa qua, song đã bị chậm bàn giao do vấn đề hậu cần. Hiện Philippines đang đàm phán mua thêm 20 triệu liều vaccine Sputnik V để giúp đạt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 70 triệu người trưởng thành trong năm nay.
Cho đến nay, Philippines đã nhận được 4,04 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó hơn 86% là vaccine của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) và số còn lại là vaccine AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Tính đến ngày 27/4, hơn 1,8 triệu liều vaccine đã được tiêm cho người dân nước này.
Với 1,05 triệu ca mắc COVID-19 và 17.354 ca tử vong, Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ở khu vực châu Á.
Lào: Tình hình dịch tạm lắng
Tình hình dịch COVID-19 tại Lào đang có chiều hướng tạm lắng khi số ca mắc mới duy trì ở mức hai chữ số trong 5 ngày qua.
Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Lào chiều 1/5 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 64 ca mắc mới COVID-19 tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước, giảm cả về số ca mắc lẫn số tỉnh có ca mắc. Diễn biến này cho thấy các biện pháp phòng dịch của Chính phủ Lào cùng sự tuân thủ của người dân đã bước đầu đem lại hiệu quả, dù tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó lường. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là địa phương phát hiện nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất với 49 ca, tiếp đó là tỉnh Champasak, Oudomsay và Salavan.
Tính tới chiều 1/5, toàn bộ 18/18 tỉnh, thành của Lào vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa cho tới ít nhất là ngày 5/5. Tới nay, Lào có tổng cộng 821 ca mắc COVID-19, trong đó có tới 773 ca mới phát hiện từ đầu tháng 4 đến nay, cao hơn 20 lần so với số ca bệnh của nước này trong năm 2020.