Theo kết quả nghiên cứu quốc tế toàn diện được công bố trên tạp chí Stoke, cứ 4 bệnh nhận bị đột quỵ sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 lại có 1 người dưới 55 tuổi. Con số này được coi là cao bất thường, vì thông thường chỉ có từ 10% đến 15% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18 đến 50.
Đáng báo động hơn, các nhà nghiên cứu cho biết COVID-19 có thể gây đột quỵ ở những người vốn có nguy cơ cực thấp.
“Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không có bất kỳ yếu tố nguy cơ truyền thống nào đối với đột quỵ, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường, các vấn đề về tim mạch”, Giáo sư Ronen Leker tại Đại học Hebrew, một tác giả của nghiên cứu, cho biết.
Dữ liệu cho thấy có một mối liên kết giữa COVID-19 và đột quỵ ở các bệnh nhân trẻ tuổi, do tắc nghẽn trong các mạch máu lớn hơn. Ngay cả người mắc COVID-19 ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng không được bảo vệ hoàn toàn.
Trên thực tế, nghiên cứu được công bố ngày 21/4 đã chỉ ra rằng gần 38% những người bị đột quỵ ngay sau khi khỏi COVID-19 thậm chí còn không biết mình mắc căn bệnh hô hấp này. Họ không có các triệu chứng dễ nhận biết của SARS-CoV-2, chẳng hạn như ho, sốt hoặc khó thở. Việc họ mắc COVID-19 chỉ được phát hiện sau khi họ nhập viện vì đột quỵ và được làm xét nghiệm.
Tổng cộng, các tác giả của nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về 432 bệnh nhân do 136 trung tâm y tế khác nhau ở 32 quốc gia cung cấp.
Các bệnh nhân trong nghiên cứu bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ cấp tính, xuất huyết nội sọ và huyết khối tĩnh mạch não hoặc xoang. Khoảng 70 trung tâm y tế cũng báo cáo rằng họ có ít nhất một bệnh nhân COVID-19 bị đột quỵ khi nhập viện hoặc ngay sau đó.
Theo ông Leker, hiện tượng này có thể là do virus SARS-CoV-2 nhắm vào các cơ quan khác nhau trong cơ thể, phá vỡ chức năng bình thường của chúng và gây ra cục máu đông cùng những biến chứng khác.
Ông giải thích: “Não là một trong những cơ quan mà SARS-CoV-2 nhắm tới, cũng như các mạch máu trong não”. Căn bệnh này cũng có thể dẫn đến nhịp tim không đều và sự di chuyển của các cục máu đông lên não.
Nghiên cứu đã làm dấy lên mối quan tâm trong cộng đồng y tế của Israel. Ông Cyrille Cohen, nhà miễn dịch học và là giáo sư tại Đại học Bar Ilan, đã nhận xét kết quả của nghiên cứu này là “cực kỳ đáng lo ngại”.
Chuyên gia Cohen nói với tờ Times of Israel: “Những dữ liệu này chỉ ra rằng những người trẻ tuổi - những người được xem là có ít nguy cơ mắc COVID-19, rất dễ bị đột quỵ cùng các tác động khác của virus trung và dài hạn”.
Trong khi đo, giáo sư Leker kêu gọi các bệnh viện nên kiểm tra mối liên hệ tiềm ẩn giữa đột quỵ và COVID-19 trong tất cả các ca nghi vấn.
Nghiên cứu này được đưa ra một tuần sau khi một báo cáo khác cho thấy những người bị COVID-19 thể nặng ít bị đột quỵ hơn.
Theo đó, nghiên cứu sơ bộ được công bố hồi giữa tháng 4 cho thấy chỉ có 2% số bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) đã trải qua một cơn đột quỵ trong thời gian họ lưu trú. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của gần 2.700 bệnh nhân tại 52 quốc gia được điều trị trong các ICU từ ngày 1/1/2020 đến ngày 21/12/2020.