Biểu tượng của Apple ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi tháng trước, tập đoàn công nghệ Mỹ đã nhận được “thông báo về năng lực kỹ thuật” từ Bộ Nội vụ Anh theo Đạo luật Quyền điều tra (IPA) 2016, trong đó yêu cầu Apple mở “cửa sau” cho dịch vụ lưu trữ iCloud. Biện pháp này sẽ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh khai thác các bản sao lưu iPhone và dữ liệu đám mây khác.
IPA 2016 phạm vi quyền hạn vượt ra ngoài lãnh thổ Anh, nghĩa là cơ quan thực thi pháp luật của “Xứ sở sương mù” có thể truy cập dữ liệu được mã hóa của khách hàng Apple ở mọi nơi trên thế giới, kể cả là tại Mỹ.
Yêu cầu của Bộ Nội vụ Anh là vấn đề nóng mới nhất trong cuộc chiến dai dẳng giữa ngành công nghệ và cơ quan thực thi pháp luật về việc sử dụng biện pháp mã hóa trong các ứng dụng nhắn tin và dịch vụ lưu trữ.
Hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng các ứng dụng mã hóa do những công ty như Apple, Google, Meta và Signal cung cấp để bảo mật dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, giới chức an ninh và thực thi pháp luật cho rằng các ứng dụng này đang bảo vệ những đối tượng phạm tội, khủng bố và xâm hại trẻ em, khiến nhiệm vụ thu thập bằng chứng kỹ thuật số trở nên khó khăn hơn.
Khi được hỏi về thông tin trên, người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh không phủ nhận hoặc xác nhận. Trong khi đó, Apple cũng từ chối bình luận.
IPA 2016 đã được cập nhật vào năm ngoái. IPA 2016 quy định các bên nhận được “thông báo về năng lực kỹ thuật” không được phép thừa nhận sự tồn tại của thông báo này hoặc cảnh báo người dùng rằng hàng rào bảo mật của họ đã bị suy yếu, trừ khi Ngoại trưởng Anh cho phép thực hiện hành động như vậy.
Apple trước đây từng tuyên bố những quy định này sẽ buộc hãng công nghệ Mỹ phải ngừng cung cấp các dịch vụ bảo mật cho khách hàng ở Anh vì “Táo khuyết” không bao giờ mở “cửa sau” để truy cập vào các sản phẩm của mình. Quan điểm này cho thấy Apple có thể sẽ lựa chọn tắt tính năng “Advanced Cloud Protection” (Bảo vệ dữ liệu nâng cao) thay vì thỏa hiệp mã hóa.
Đầu năm 2024, khi những nội dung sửa đổi mới nhất đối với IPA 2016 được thông qua tại Quốc hội Anh, Apple đã lên tiếng bày tỏ “vô cùng lo ngại” rằng những thay đổi này sẽ gây nguy hiểm cho quyền riêng tư của người dùng. Apple đánh giá đây là hành động vượt quá thẩm quyền chưa từng có của chính phủ và nếu được ban hành, nước Anh có thể bí mật phủ quyết các biện pháp bảo vệ người dùng mới trên toàn cầu, “ngăn cản” nhà sản xuất iPhone cung cấp những biện pháp đó cho khách hàng.
Trong bài phát biểu hồi tháng 10/2024, ông Ken McCallum - Giám đốc Cơ quan tình báo nội địa (MI5) của Anh chia sẻ: “Khi có quá nhiều âm mưu diễn ra trên Internet, khả năng theo dõi hoạt động trực tuyến của những đối tượng có ý đồ gây hại cho chúng ta là vô cùng quan trọng. Duy trì quyền truy cập hợp pháp, cân xứng vào các thông tin liên lạc như vậy trước tình trạng mã hóa ngày càng phổ biến đôi khi là cách duy nhất để chúng ta phát hiện và nắm bắt được những mối đe dọa này. Quyền riêng tư và quyền truy cập hợp pháp đặc biệt có thể cùng tồn tại nếu các vị trí tuyệt đối bị vô hiệu hóa”.
Tháng trước, người đứng đầu Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) đã chỉ trích tình trạng các công ty công nghệ phản đối hợp tác với cảnh sát để truy cập vào các tin nhắn được mã hóa, đồng thời tuyên bố các công ty này có trách nhiệm xã hội trong việc mở dữ liệu của tội phạm.
Từ đầu năm 2023, Apple đã triển khai tính năng “Advanced Data Protection” cho iCloud như một dịch vụ tùy chọn mà người dùng phải chọn “Bật”. Ngược lại, dịch vụ iMessage của “Táo khuyết”, tương tự các đối thủ WhatsApp và Signal, được mã hóa đầu cuối theo mặc định.