Và tin vui là một vài chính trị gia đã đồng ý tham gia chương trình của Chuah Chee Xian, còn được gọi là Sai, để trả lời phỏng vấn.
Chuah Chee Xian (29 tuổi) cho đến nay đã phỏng vấn cựu Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể Thao Syed Saddiq Abdul Rahman và cựu Bộ trưởng Tài chính Lim Guan Eng trong chương trình của mình.
Đôi khi, những câu hỏi hóc búa của Chuah Chee Xian gây ra sự im lặng khó xử, một vài trường hợp khác, các chính trị gia đã hỏi vặn lại sắc bén. Tương tác giữa họ không hề được tập dượt trước.
Hàng chục nghìn khán giả đã xem những video chân thực này, trong đó một số nhận xét rằng chương trình của Chuah Chee Xian còn “hay hơn tin tức truyền hình”. Tập cựu Bộ trưởng Syed Saddiq Abdul Rahman xuất hiện thu về hơn 145.000 lượt xem, trong khi tập có ông Lim Guan Eng ghi nhận 90.000 lượt xem.
Chuah Chee Xian nằm trong số ngày càng nhiều những người sáng tạo nội dung trẻ tuổi đang thổi làn gió mới vào chính trị Malaysia thông qua các video thông tin giải trí thú vị. Các video thường thể hiện góc độ nhẹ nhàng và ít cảnh giác hơn của các chính khách.
Nhiều chính trị gia dường như khá hồ hởi tham gia vào các chương trình này, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho các cuộc bầu cử.
BBK Network là một kênh YouTube phổ biến khác tập trung vào video thông tin giải trí kết hợp hài kịch với chính trị và các vấn đề xã hội. Trong một tập phim, họ lái xe đưa Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke đến Quốc hội và trong quãng đường này, họ bàn luận về những khó khăn mà người tham gia giao thông Malaysia phải đối mặt.
Anh Lucas Lee (27 tuổi), nhà sản xuất kiêm người dẫn chương trình của BBK Network, chia sẻ với tờ The Straits Times (Singapore) rằng nhóm của anh có toàn quyền kiểm soát nội dung và chưa bao giờ được yêu cầu tránh câu hỏi nào hoặc xóa đoạn nào của chương trình. Nhưng anh ấy nói thêm rằng có những chính trị gia đã không hồi đáp lời mời tham gia chương trình.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều chính trị gia coi việc tham gia những chương trình này đem lại lợi ích tiếp cận được nhiều hơn với các cử tri trẻ tuổi.
Thứ trưởng Bộ Truyền thông Malaysia Teo Nie Ching cho biết bà rất vui khi được tham gia chương trình của BBK và nó mang lại cho bà kênh mới để chia sẻ về kiến thức kỹ thuật số với nhiều đối tượng khác nhau
Giáo sư Gayathry Venkiteswaran tại Đại học Nottingham Malaysia nhận định việc có thêm nhiều chính trị gia xuất hiện trên các nền tảng truyền thông phi truyền thống, phi chính thống là bước phát triển tích cực.
Bà Gayathry Venkiteswaran phân tích: “Nó tạo điều kiện để thảo luận về chính trị theo những cách khác nhau và sáng tạo. Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2013, vai trò của các trang mạng xã hội được đặc biệt chú ý. Các chính trị gia và các đảng phái chính trị nhận ra rằng họ cần phải tương tác trực tuyến với cử tri”.