Theo mạng tin châu Âu Euractiv.com, Indonesia và Malaysia đã cáo buộc luật chống phá rừng của EU trừng phạt một cách bất công các hộ nông dân nhỏ, cho rằng các yêu cầu phức tạp của quy định sẽ gây căng thẳng về tài chính cho những người ít có khả năng chi trả nhất - cáo buộc mà Ủy ban châu Âu đã bác bỏ ngày 12/6.
Trước đó các quan chức Indonesia và Malaysia đã tới Brussels để bày tỏ lo ngại về luật này với các nhà lãnh đạo EU, nêu rõ tác động từ quy định không phá rừng của EU (EUDR) có thể gây ra đối với các nền kinh tế của họ.
Luật chống phá rừng của EU nhằm mục đích cấm các mặt hàng như ca cao, cà phê, dầu cọ và gỗ vào EU nếu chúng có liên quan đến việc phá rừng bất hợp pháp, đặt ra các yêu cầu chứng nhận nghiêm ngặt đối với các công ty liên quan.
Theo quy định mới, các công ty phải cung cấp đầy đủ khả năng truy xuất nguồn gốc, bao gồm cả vị trí chính xác hàng hóa được sản xuất. Họ cũng phải chứng minh rằng các trang trại không nằm trên những vùng đất đã bị phá rừng sau năm 2020.
Để quản lý nguy cơ không tuân thủ, các công ty sẽ phải chỉ định một nhà giám sát, trong khi một cơ quan được chỉ định cụ thể, ở mỗi quốc gia thành viên EU, được giao nhiệm vụ kiểm tra quy trình thẩm định của các công ty và thương nhân.
Quy định này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Malaysia và Indonesia, những nước chỉ trích việc thiếu tham vấn của EU. Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC), do hai quốc gia Đông Nam Á này đứng đầu, gọi luật này có “bản chất phân biệt đối xử và trừng phạt”.
Cả hai quốc gia trên đã sử dụng việc trồng dầu cọ, một mặt hàng sinh lợi được buôn bán trên toàn cầu, như một phương tiện để cải thiện sinh kế của những người nông dân nhỏ. Indonesia và Malaysia chiếm khoảng 85% xuất khẩu dầu cọ toàn cầu. Theo các quan chức Indonesia và Malaysia, tiến trình này hiện đang bị đe dọa do luật phá rừng.
Trong một cuộc phỏng vấn với Euractiv, Phó Thủ tướng Malaysia Fadillah Yusof và Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết luật trên của EU có thể làm giảm nỗ lực xóa đói giảm nghèo của các nước theo Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
“Luật phá rừng của [EU], đối với một công ty lớn, rất dễ tuân thủ. Nhưng điều này lại nhằm vào các hộ sản xuất nhỏ. Người tiêu dùng ở châu Âu sẽ không phải gánh thêm chi phí, đó sẽ là những người nông dân”, ông Hartarto nói.
Một trong những mối lo ngại chính của cả Indonesia và Malaysia là EU sẽ buộc các doanh nghiệp áp dụng các thủ tục chứng nhận mới. Theo ông Hartarto, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EUDR đòi hỏi phải có công nghệ mới.
Ông Hartarto nói: “Truy xuất nguồn gốc là một chi phí bổ sung [do] thủ tục hành chính. Bạn cần một nhà tư vấn, bạn cần mua một hệ thống, bạn cần chi phí cho các dịch vụ mới. Về cơ bản, nó tạo ra hoạt động kinh doanh bổ sung [để đạt được] điều này”.
Ông Hartarto cũng bác bỏ ý kiến cho rằng các quy định của EU là cần thiết để chống nạn phá rừng ở Indonesia, nhấn mạnh rằng nước này đã có lệnh cấm phá rừng kể từ năm 2011. “Việc bảo chúng tôi không phá rừng không phải là việc của EU,” ông Hartarto tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng diện tích đất có rừng ở Indonesia vượt xa so với châu Âu.