Chính biến ở Sudan: Các nước châu Âu đề nghị HĐBA LHQ họp 

Ngày 12/4, Đại sứ Đức tại LHQ Christoph Heusgen - Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cho biết năm quốc gia châu Âu là thành viên của hội đồng này đã đề nghị tổ chức họp đánh giá về tình hình tại Sudan. 

Chú thích ảnh
Người biểu tình Sudan tập trung trên đường phố thủ đô Khartoum sau khi Tổng thống nước này, ông Omar al-Bashir bị quân đội bắt giữ, ngày 11/4/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời báo giới sau phiên tham vấn kín của HĐBA LHQ, Đại sứ Heusgen cho biết hội đồng có thể tổ chức một cuộc họp về Sudan vào ngày 15/4 “nếu tình hình trở nên nghiêm trọng”. Theo Đại sứ Đức, HĐBA LHQ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại quốc gia Bắc Phi này. Ông nói: “Chúng tôi, gồm các nước Anh, Pháp, Bỉ, Ba Lan và Đức, kêu gọi các bên liên quan ở Sudan kiềm chế. Chúng tôi tin rằng sẽ có một giải pháp hòa bình cho vấn đề hiện nay ở Sudan”. Ngoài ra, ông cũng đề cập tới việc Liên minh châu Phi sẽ nhóm họp trong ngày 14/4 để thảo luận về các diễn biến ở Sudan. 

Trong một diễn biến khác có liên quan, cảnh sát Sudan thông báo 16 người đã thiệt mạng và 20 người khác bị thương trong quá trình tham gia các cuộc biểu tình ở thủ đô Khartoum trong ngày 11 và 12/4. Ngoài ra, các cuộc biểu tình và tuần hành cũng đã ảnh hưởng tới giao thông và dẫn tới nhiều vụ tắc đường trên diện rộng tại thủ đô của Sudan. Hiện người biểu tình vẫn đổ ra đường để hoan nghênh thông tin về việc Bộ trưởng Quốc phòng Ahmed Awad Ibn Auf tuyên bố từ chức người đứng đầu hội đồng quân sự chuyển tiếp.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn.

Sau khi bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22h00' đến 4h00' (giờ địa phương). Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình.

Anh Hiển  (TTXVN)
 Lực lượng Phản ứng nhanh Sudan không tham gia Hội đồng Quân sự chuyển tiếp
Lực lượng Phản ứng nhanh Sudan không tham gia Hội đồng Quân sự chuyển tiếp

Ngày 12/4, Chỉ huy Lực lượng Phản ứng nhanh (RSF), một bộ phận của quân đội Sudan, đã thông báo từ chối tham gia Hội đồng Quân sự chuyển tiếp, thể chế sẽ lãnh đạo đất nước sau khi lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN