Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Cơ hội cho các nước khác

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang bị cuối vào vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” về thuế suất và một cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết. Căng thẳng thương mại khiến Mỹ-Trung đều thiệt hại, song cuộc chiến này cũng có thể mở ra cơ hội cho các nền kinh tế khác.

Mỹ-Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thương mại. Ảnh: Getty Images

Trong nỗ lực trừng phạt Trung Quốc vì các hành vi thương mại của nước này, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mở cánh cửa cho các nước khác nắm bắt thị phần Mỹ - như Mexico và Nhật Bản.

Theo số liệu nhập khẩu của Mỹ, những quốc gia này nằm trong số các nhà cung cấp thay thế hàng đầu cho 1.300 dòng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế 25% nếu chúng được nhập khẩu từ Trung Quốc, và cũng là các nước được hưởng lợi từ sự thay đổi đột ngột này.
 
Mexico hiện xuất khẩu mặt hàng ti vi màn hình phẳng trị giá khoảng 6 tỷ USD sang Mỹ, gấp đôi giá trị xuất khẩu của Trung Quốc với mặt hàng này, trong khi Thái Lan xuất khẩu sang Mỹ mặt hàng ổ cứng máy tính trị giá khoảng 3,5 tỷ USD, gấp 4 lần con số của Trung Quốc. Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam cũng là các đối thủ trên thị trường trong ngành linh kiện máy in.

Việc chuyển hướng nhập khẩu từ Trung Quốc sang các quốc gia này hay các quốc gia khác sẽ không diễn ra “một sớm một chiều”. Theo một số nhà phân tích, danh sách hàng trăm mặt hàng Tổng thống Trump muốn đánh thuế có thể được xét lại hoặc thu hồi nếu mục tiêu của Mỹ là đạt được một thỏa thuận qua đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề thương mại lớn hơn.

Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã cố tình đưa các sản phẩm mà có thể được chế tạo ở các nước khác vào danh sách áp thuế chống lại Trung Quốc, điều nhằm gây ra đòn giáng lớn vào các nhà xuất khẩu Trung Quốc và giảm thiểu thiệt hại với phía Mỹ. Phát biểu với hãng tin Reuters, một quan chức USTR nói rằng việc lựa chọn các sản phẩm đó dựa trên tác động của chúng với người tiêu dùng Mỹ và sự sẵn có của chúng bên ngoài thị trường Trung Quốc. Quan chức này nói: “Danh sách các sản phẩm được đề xuất sau đó được tổng hợp bằng cách lựa chọn các sản phẩm với tác động ít nhất với người tiêu dùng từ bảng xếp hạng nói trên”.

Cựu Phó Đại diện Thương mại Mỹ Robert Holleyman nói: “Tôi cho rằng quá trình này một phần nhằm cho phép sự thay đổi trong chuỗi cung cấp thời gian tới, thay vì cố gắng hạn chế hoàn toàn hàng nhập khẩu của Mỹ mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ”. Tuy nhiên, ông cho rằng việc sử dụng thuế quan khiến các ngành công nghiệp chính của Mỹ như nông nghiệp và hàng không vũ trụ gặp rủi ro dù "chính quyền đã đưa ra phân tích kỹ càng về vấn đề này. Họ đã cố gắng giảm thiểu thiệt hại trực tiếp với người tiêu dùng Mỹ”.

Theo số liệu điều tra dân số Mỹ, ngoài một số mặt hàng được tiêu thụ lớn như TV, danh sách này dường như nghiêng về phía các mặt hàng mà Trung Quốc ít thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Panjiva nhấn mạnh rằng trong một số trường hợp như với bộ điều chỉnh nhiệt, Trung Quốc cung cấp tới hơn 40% sản lượng nhập khẩu của Mỹ, điều khiến Mỹ có rất ít lựa chọn thay thế.
 
Tổng thống Trump cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp trong việc cố gắng sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu vốn hội nhập sâu sắc. TCL Multimedia, nhà sản xuất TV lớn nhất Trung Quốc, cho biết họ sẽ chuyển một phần sản xuất sang nhà máy của họ tại Mexico, điều nhấn mạnh sự khó khăn trong việc trừng phạt các mặt hàng nhập khẩu trong bối cảnh các công ty đa quốc gia có nhiều trụ sở sản xuất trên khắp thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: theaustralian.com.au

Mặc dù chính sách thuế này có thể gây tổn hại đến các doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng chúng khó có thể giúp dịch chuyển sản xuất sang các công ty Mỹ. Trong khi đó, các công ty Mỹ sẽ phải tìm kiếm các nguồn thay thế cho các mặt hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn nếu có thể, và các ngành công nghiệp là nạn nhân của các biện pháp trả đũa của Trung Quốc cũng sẽ gánh chịu tổn thất.

Ông Holleyman nói: “Nếu chiến lược dài hạn ở đây là thực thi và duy trì thuế quan với các sản phẩm của Trung Quốc để thay đổi thâm hụt thương mại với nước này, thì đây là một vấn đề lớn, bởi Bắc Kinh có khả năng sẽ trả đũa và điều đó sẽ ảnh hưởng đến một loạt nhà xuất khẩu của Mỹ”. 

TTXVN/Báo Tin tức
Báo động giả ‘Người Nga đang tới’ khiến dân chúng Na Uy hoảng loạn
Báo động giả ‘Người Nga đang tới’ khiến dân chúng Na Uy hoảng loạn

Tiếng còi báo động bất chợt vang lên không rõ lý do lúc nửa đêm đã khiến cho người dân Na Uy sinh sống tại khu vực gần sát biên giới Nga hoảng hốt đến mức phải gọi cảnh sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN