Động thái này là một phần trong kế hoạch lớn hơn của ByteDance để chuyển sang sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa quá trình kiểm duyệt nội dung.
Theo các nguồn thạo tin, hầu hết lao động bị ảnh hưởng của động thái trên đều làm việc ở bộ phậm kiểm duyệt nội dung. Các lao động này đã nhận được thông báo cho nghỉ việc qua thư điện tử (email) vào cuối ngày 9/10.
Ngày 11/10, TikTok đã xác nhận thông trên nhưng không thể đưa ra con số chính xác về số lượng lao động bị sa thải ở Malaysia. Một số nguồn tin cho hay con số này vào khoảng 700 người.
Theo ước tính, hàng trăm người lao động trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng khi "gã khổng lồ" này đang xúc tiến kế hoạch rộng hơn nhằm cải thiện hoạt động kiểm duyệt. Hiện nay, TikTok sử dụng công cụ phát hiện tự động kết hợp có người kiểm duyệt để xem xét nội dung được đăng trên nền tảng của mình.
ByteDance có hơn 110.000 lao động ở hơn 200 thành phố trên thế giới. ByteDance đang dự định cắt giảm thêm lao động trong thời gian tới khi tìm cách hợp nhất một số hoạt động trong khu vực. ByteDance dự định sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào lĩnh vực kiểm duyệt nội dung trong năm nay và hướng tới mục tiêu tự động hóa 80% quá trình kiểm duyệt.
Việc cắt giảm lao động diễn ra giữa lúc các "đại gia" công nghệ đang đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng và nhu cầu cắt giảm chi phí. Ngoài ra, những quy định ngày càng chặt chẽ về nội dung trực tuyến cũng buộc các nền tảng như TikTok phải đầu tư mạnh vào công nghệ để đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tại Malaysia, chính phủ đã ban hành các quy định mới yêu cầu những nền tảng mạng xã hội phải đăng ký giấy phép hoạt động và tăng cường kiểm soát nội dung. Điều này càng thúc đẩy những doanh nghiệp như ByteDance phải tìm kiếm những giải pháp hiệu quả hơn để đáp ứng các yêu cầu của các cơ quan quản lý.
ByteDance ra mắt mạng xã hội TikTok năm 2017 và ứng dụng này đã nhanh chóng phủ rộng trên toàn thế giới, vượt mốc 1 tỷ người dùng chỉ trong 4 năm. TikTok là phiên bản quốc tế của Douyn, bản nội địa ra mắt tại Trung Quốc năm 2016 đến nay đã có hàng trăm triệu lượt người dùng ở trong nước.
Nhờ sự bùng nổ của các ứng dụng này, ByteDance đã nhanh chóng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thương mại điện tử, đặt chỗ du lịch và cũng ra mắt cả ứng dụng chỉnh sửa video. Việc triển khai thành công TikTok Shop tại các thị trường như Mỹ và Đông Nam Á đã giúp ByteDance mở ra những nguồn doanh thu mới ngoài hoạt động tiếp thị kỹ thuật số.
Trong thời gian qua, ByteDance đã cắt giảm việc làm tại các đơn vị phát triển trò chơi và phần mềm doanh nghiệp. Hiện tại, ByteDance đang cố gắng bắt kịp xu hướng phát triển AI tạo sinh, xây dựng các chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn của riêng mình. Chatbot là một ứng dụng phần mềm dùng để quản lý một hệ thống thảo luận trực tuyến bằng văn bản hoặc văn bản chuyển thành giọng nói, thay vì cung cấp các thảo luận trực tiếp với người dùng có thật.
Lợi nhuận của ByteDance đã tăng khoảng 60% trong năm 2023, vượt xa mức tăng trưởng lợi nhuận của những "ông lớn" công nghệ khác là Tencent và Alibaba. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao của ByteDance tăng lên hơn 40 tỷ USD vào năm 2023, từ mức xấp xỉ 25 tỷ USD năm 2022.