Nền tảng chia sẻ video TikTok đã xóa tài khoản của một số chi nhánh của mạng lưới truyền thông Sputnik, Nga. Hành động này diễn ra vài ngày sau khi chính quyền công bố lệnh trừng phạt mới nhắm vào một số cơ quan truyền thông của Nga, bao gồm đài RT.
Vào sáng 21/9, các tài khoản của Sputnik Serbia, Sputnik Afrique, Sputnik Africa, Sputnik International, Sputnik Brasil, Sputnik Mundo và Sputnik Indonesia đã không thể truy cập được. TikTok hiện vẫn chưa bình luận về diễn biến này.
Sputnik Serbia đã chia sẻ một hình ảnh hiển thị truy vấn cho biết họ không thể tìm thấy tài khoản, đồng thời cho biết trang của họ cũng đã bị chặn trên Facebook, nhưng vẫn hoạt động trên mạng X (tiền thân là Twitter).
TikTok, thuộc sở hữu của công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc ByteDance, đã chịu áp lực rất lớn từ chính quyền Mỹ trong những tháng gần đây. Vào tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật cho phép cấm TikTok nếu công ty mạng xã hội này không được bán trong vòng một năm.
Tuần trước, Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt đối với một số phương tiện truyền thông Nga, bao gồm RT và công ty mẹ là Rossiya Segodnya và đài TV-Novosti, với lý do rằng các công ty truyền thông Nga hoạt động nhằm mục đích ngấm ngầm "phá hoại nền dân chủ" ở Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cáo buộc rằng RT đang "hoạt động như một nhánh thực tế của tình báo [Nga]". Moskva đều đã bác bỏ những cáo buộc này.
Sau những hạn chế mới, người khổng lồ công nghệ Mỹ Meta, công ty sở hữu Facebook và Instagram, đã cấm một số mạng tin tức của Nga, bao gồm RT, với lý do "hoạt động can thiệp của nước ngoài".
"Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi mở rộng hạn chế đang được áp dụng đối với các cơ quan truyền thông nhà nước Nga", Meta cho hay ngày 16/9. "Rossiya Segodnya, RT và các thực thể liên quan hiện bị cấm khỏi các ứng dụng của chúng tôi trên toàn cầu vì tiến hành hoạt động can thiệp của nước ngoài".
Rossiya Segodnya là tập đoàn truyền thông hàng đầu của Nga, sở hữu nhiều kênh lớn, trong đó có RIA Novosti, Sputnik, phát hành tại 19 quốc gia với 32 ngôn ngữ. RT ra mắt vào năm 2005 với tên gọi "Russia Today", từ đó mở rộng với các kênh truyền hình và trang web bằng các ngôn ngữ bao gồm tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Arab.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên án các lệnh trừng phạt mới là một hành động "gây hấn" trắng trợn, đồng thời nói thêm rằng các hạn chế này dựa trên những cáo buộc "khủng khiếp và vô căn cứ". Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng lên tiếng, nói rằng Meta đã hoàn toàn "làm mất uy tín của chính mình" khi tham gia vào những gì ông gọi là "hành động có chọn lọc chống lại phương tiện truyền thông Nga". "Những việc làm chống lại truyền thông Nga là không thể chấp nhận được và làm phức tạp triển vọng bình thường hóa quan hệ của chúng tôi với Meta", ông Peskov nói tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 17/9.
RT đã buộc phải ngừng hoạt động tại Anh, Canada, Liên minh châu Âu và Mỹ do các lệnh trừng phạt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2/2022.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cho biết năng lực của RT đã được mở rộng vào đầu năm ngoái, với việc chính phủ Nga tăng cường "năng lực hoạt động mạng và mối quan hệ với tình báo Nga". Mỹ khẳng định thông tin thu thập được từ hoạt động bí mật của RT sẽ được chuyển đến các cơ quan tình báo, truyền thông Nga.
Tuy nhiên, Tổng biên tập RT Margarita Simonyan đã mỉa mai những cáo buộc này, nói đùa rằng RT đã học theo người Mỹ, chứ không phải từ các sĩ quan tình báo Nga.
Hiện nay, ứng dụng WhatsApp của Meta, chưa bị Nga cấm, vẫn có hàng triệu người sử dụng ở quốc gia này.