'Chìa khóa' giáo dục để kiến tạo tương lai bền vững

Làm cho giáo dục trở nên phù hợp hơn, công bằng và toàn diện hơn - đây chính là một nền tảng thiết yếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và người trẻ là tác nhân chính trong định hướng đổi mới giáo dục này.

Chú thích ảnh
Học sinh tại một trường học ở Lashkar Gah, tỉnh Helmand, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tư vào giáo dục cho thanh thiếu niên không chỉ là chìa khóa để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo tiền đề vững chắc cho tương lai. Với chủ đề “Đổi mới giáo dục”, Ngày quốc tế thanh thiếu niên 12/8 năm nay hướng tới mục thông qua giáo dục để khai thác sức trẻ trong thúc đẩy kiến tạo tương lai bền vững.

Ngày quốc tế thanh thiếu niên, tập trung vào thanh thiếu niên và vị trí của nhóm đối tượng này trong xã hội, không chỉ để bảo vệ những người trẻ mà còn để tạo điều kiện để họ tham gia tích cực hơn vào sự phát triển của các cộng đồng.

Bắt đầu từ năm 2000, Ngày quốc tế thanh thiếu niên được Liên hợp quốc tổ chức hằng năm vào ngày 12/8 và là một sáng kiến nhằm tôn vinh những phẩm chất và đóng góp của những người trẻ tuổi cũng như để nhận thức những thách thức mà giới trẻ ngày nay có thể gặp phải.

Các lĩnh vực trọng tâm để phát triển và bảo vệ thanh thiếu niên với sáng kiến này của Liên hợp quốc bao gồm giáo dục, việc làm, môi trường, tội phạm, trẻ em gái và phụ nữ trẻ, HIV/AIDS và quan hệ giữa các thế hệ. 

Ngày quốc tế thanh thiếu niên 2019, với chủ đề “Đổi mới giáo dục”, nhấn mạnh tới những nỗ lực khiến giáo dục trở nên phù hợp, công bằng và toàn diện hơn cho tất cả thanh thiếu niên, bao gồm cả những nỗ lực từ chính nhóm người trẻ tuổi.

Bắt nguồn từ Mục tiêu thứ tư của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 - đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả - Ngày quốc tế thanh thiếu niên 2019 hướng tới xem xét cách thức các chính phủ, các tổ chức tập trung vào giới trẻ, tầng lớp thanh thiếu niên cũng như các bên liên quan khác, đang đổi mới giáo dục và những nỗ lực này đang đóng góp vào các mục tiêu của Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 như thế nào.

LHQ cho biết mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song trên thế giới, những người trẻ tuổi vẫn phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục. Mục tiêu giáo dục của Chương trình phát triển bền vững năm 2030 nhấn mạnh không để ai bị bỏ lại phía sau, tuy nhiên, chỉ 10% người dân ở các nước thu nhập thấp hoàn thành giáo dục trung học phổ thông; ở các nước nghèo nhất, tỉ lệ hoàn thành bậc học này là 4% trong số 20% người nghèo nhất, so với 36% ở các nước giàu nhất.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cảnh báo nếu tình trạng này không được thay đổi, tới thời điểm năm 2030, khoảng 20% những người trẻ tuổi và 30% người trưởng thành ở các quốc gia thu nhập thấp sẽ vẫn không biết đọc.

Cũng theo thống kê của LHQ, 40% dân số toàn cầu không được dạy bằng ngôn ngữ họ nói hoặc có thể sử dụng thành thạo, đồng nghĩa với việc họ phải tiếp nhận một nền giáo dục qua một ngôn ngữ mà họ không hiểu; và hơn 75% người di cư trong độ tuổi trung học không được đến trường.

Ngoài ra, thanh thiếu niên thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số, thanh thiếu niên khuyết tật, nữ giới, thanh thiếu niên thuộc nhóm dễ bị tổn thương hoặc trong tình huống dễ bị tổn thương... đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức khác trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là một hệ thống giáo dục tôn trọng nhu cầu và năng lực đa dạng của giới trẻ cũng như hỗ trợ và thúc đẩy bản sắc của họ. Đơn cử như vấn nạn tảo hôn vẫn còn là một trở ngại dai dẳng đối với giáo dục thanh thiếu niên nữ khi các thống kê cho thấy cứ 4 cô dâu thì có 1 cô dâu trẻ trong độ tuổi 15 - 19.

Bên cạnh đó, theo xu hướng hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên được học nghề dự kiến sẽ sụt giảm ở các nước thu nhập trung bình, giảm gần 1/3 ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp vào năm 2030. Thống kê của LHQ là một sự nhắc nhở về nhu cầu cấp thiết cần thay đổi để làm cho hệ thống giáo dục trở nên toàn diện và dễ tiếp cận hơn.

Ngoài là đối tượng trực tiếp, người trẻ cũng là tác nhân chính trong công cuộc đổi mới giáo dục mà thế giới đang kêu gọi. UNESCO cho rằng những ý tưởng và tinh thần đổi mới của sức trẻ cần được lắng nghe để đạt được những mục tiêu chung trong Chương trình nghị sự 2030.

Các tổ chức do thanh niên lãnh đạo đang hỗ trợ đổi mới giáo dục bằng cách hợp tác với các chính phủ, các tổ chức giáo dục và các bên liên quan khác, vận động và ủng hộ các chính sách giáo dục và phát triển các chương trình đào tạo bổ sung.

Các tổ chức do thanh niên lãnh đạo đang giải quyết các rào cản cho thanh thiếu niên như tình trạng kinh tế, dân tộc, giới tính và các đặc điểm khác; giúp cập nhật kế hoạch giáo dục và chương trình giảng dạy ở trường hướng tới những nội dung cấp thiết của xã hội và thời đại như hòa bình, công lý và môi trường hay biến đổi khí hậu. 

UNESCO đang đẩy mạnh hợp tác với những người trẻ tuổi với tư cách là những người đóng góp tích cực chứ không chỉ là người thụ hưởng thụ động trong các chương trình và dự án của LHQ. Thanh thiếu niên tham gia vào nhiều vào các công việc của UNESCO về giảm bất bình đẳng và xây dựng xã hội hòa bình thông qua Sáng kiến không gian thanh niên, Mạng lưới hành động khí hậu thanh niên hay Dự án ngăn chặn bạo lực cực đoan.

Hiện cơ quan trực thuộc LHQ này cũng cho biết đang nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch có sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề giới tính và khuyết tật cũng như khủng hoảng như làn sóng người di cư và người phải rời bỏ nhà cửa. UNESCO đang đẩy mạnh đào tạo và phát triển năng lực cho thanh thiếu niên, từ đó khai thác sức trẻ trong công tác kiến tạo ra tương lai sáng tạo. 

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, UNESCO cho rằng các nước cần đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng  “Giáo dục phục vụ người dân và Trái Đất”, chú trọng định hướng và chỉ dẫn tốt hơn cho việc nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về những vấn đề toàn cầu, như vấn đề biến đổi khí hậu. UNESCO cho biết các chương trình giáo dục của một nửa số quốc gia trên thế giới không đề cập một cách rõ ràng tới biến đổi khí hậu. Tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), gần 40% số học sinh ở độ tuổi 15 không có hiểu biết cơ bản về các vấn đề môi trường.

LHQ coi giáo dục là một “bội số phát triển”, tức là thúc đẩy giáo dục có thể giúp thúc đẩy tiến bộ trên tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững, từ xóa đói giảm nghèo, sức khỏe, bình đẳng giới, việc làm và tăng trưởng, tới hành động về khí hậu hoặc xây dựng xã hội hòa bình.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định giáo dục không chỉ là để có được bằng tốt nghiệp, đó là sự học và xây dựng một hệ thống cho phép thanh thiếu niên, cả nam và nữ, có được những kỹ năng và trình độ mới, giúp họ có khả năng chuẩn bị trước công việc và cuộc sống tương lai, cho những cơ hội và thách thức mà bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng mang lại, từ đó họ sẽ đóng góp có ý nghĩa cho sự tiến bộ của xã hội. Đây là lý do tại sao đổi mới giáo dục là chìa khóa để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững.

Minh Ngọc (TTXVN)
Thành lập Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo
Thành lập Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 782/QĐ-TTg thành lập Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN