Chỉ số mắc COVID-19 trong 7 ngày tại Đức lên mức cao chưa từng có

Viện Robert Koch (RKI) của Đức sáng 26/1 thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 ở mức cao chưa từng thấy, trong khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân cũng chạm mức cao nhất từ trước đến nay.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 1 ngày qua, trên cả nước Đức ghi nhận 164.000 ca nhiễm mới, vượt mức kỷ lục trên 140.000 ca ghi nhận cuối tuần trước, và 166 ca tử vong. Chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua lên mức 951,4/100.000 dân, mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay và tăng mạnh so với mức 584,4 một tuần trước.

Trong số này, hiện có 6 bang có chỉ số lây nhiễm trung bình trong 7 ngày vượt trên 1.000, đứng đầu là Berlin với 1.795,5, tiếp đến là các bang Bremen, Brandenburg, Hamburg, Hessen và Bayern.

Kể từ đầu dịch tới nay, Đức đã ghi nhận trên 9 triệu ca mắc COVID-19 và 117.126 ca tử vong. Hiện chỉ số nhập viện do mắc COVID-19 - tham chiếu để điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch - trên cả nước tăng lên 4,07, mức tăng đáng kể so với xu hướng giảm trong vài tuần gần đây. Trên cả nước Đức đang có 2.364 ca bệnh nặng phải chăm sóc tích cực.

Trong ngày 26/1, Quốc hội Đức bắt đầu thảo luận về đề xuất của từng nhóm nghị sĩ để xem xét áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo kế hoạch, sẽ có 3 lựa chọn được thảo luận, gồm tiêm chủng bắt buộc với mọi người trên 18 tuổi; bắt buộc tiêm từ độ tuổi nhất định, trên 50 hoặc 60; hoặc từ chối áp đặt quy định tiêm bắt buộc.

Tính đến trưa 26/1, số người được tiêm phòng ít nhất một mũi là 62,839 triệu người (chiếm 75,6% dân số), trong đó tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 mũi là 73,6% và tỷ lệ đã tiêm mũi tăng cường là 51,26%.

Liên quan tới việc công nhận khỏi bệnh, hiện có những dư luận trái chiều từ các chuyên gia và chính một số nghị sĩ Quốc hội về vấn đề này. Thực tế, từ ngày 14/1, Đức chỉ công nhận người được coi là khỏi bệnh 3 tháng sau khi khỏi bệnh, song Quốc hội Đức lại đang áp dụng một quy định đặc biệt, cho phép công nhận thời hạn khỏi bệnh kéo dài tới 6 tháng đối với các nghị sĩ.

Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều mặt của nền kinh tế. Theo Hiệp hội Kinh tế hội chợ Đức (AUMA), ít nhất 100 sự kiện hội chợ trong tổng số 390 hội chợ dự kiến được tổ chức trong năm nay đã phải hoãn hoặc huỷ do COVID-19. AUMA đánh giá thiệt hại về kinh tế mà đại dịch gây ra cho ngành hội chợ trong năm nay tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 5 tỷ euro. Trong 2 năm trước, thiệt hại mà ngành hội chợ phải gánh chịu vào khoảng 46 tỷ euro.

* Chính phủ Áo ngày 26/1 cho biết các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tới trong bối cảnh các bệnh viện đã giảm tải áp lực.

Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết chính phủ đã đi đến kết luận rằng việc phong tỏa những người không được tiêm phòng ở Áo chỉ chính đáng trong trường hợp năng lực chăm sóc tích cực tại các bệnh viện có nguy cơ quá tải. Các chuyên gia hiện không còn cho rằng quy định này là cần thiết.

Mạnh Hùng - Phương Oanh (TTXVN)
Lý do khiến một số người dễ mắc hội chứng COVID kéo dài
Lý do khiến một số người dễ mắc hội chứng COVID kéo dài

Một số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ nhưng kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, hay hội chứng COVID kéo dài (Long COVID).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN