Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học về các yếu tố gây hội chứng này đã cho thấy ở những bệnh nhân trên đã phát triển tự kháng thể có thể tấn công tế bào của chính họ, hoặc họ có cơ địa dễ xảy ra các triệu chứng kéo dài.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn báo cáo nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học Cell cho biết, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và chứng ho, và các bệnh nhân mắc bệnh nền về tim dễ gặp phải tình trạng mất khứu giác hoặc vị giác hơn so với những người khác.
Bài viết cho biết những người có nguy cơ cao mắc hội chứng COVID kéo dài là những người trong cơ thể có tồn tại các đoạn của virus SARS-CoV-2 hoặc tự kháng thể (kháng thể gây tổn thương tế bào hoặc cơ quan vật chủ do nhầm lẫn mục tiêu), những người mang virus Epstein-Barr (gây bệnh bạch cầu đơn nhân và một số bệnh ung thư). Theo các nhà khoa học, một số dấu hiệu bệnh được phát hiện sớm có thể kéo dài hàng tháng trời, bất kể tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.
Vậy liệu các triệu chứng COVID kéo dài có liên quan đến các bệnh trước đó hay không? Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 với hiện tượng ho. Ngoài ra, phụ nữ có khuynh hướng xuất hiện các triệu chứng thuộc về hệ thần kinh. Những người mắc bệnh tim mạch hoặc có tiền sử bị ho cũng có xu hướng bị mất khứu giác hoặc vị giác.
Về phương pháp điều trị, các nhà khoa học cho rằng chiến lược tiềm năng nhất là sử dụng thuốc kháng virus vì chúng có hiệu quả đối với tải lượng virus, và liệu pháp thay thế cortisol cho một số bệnh nhân.
Các nhà khoa học đã quan sát 309 bệnh nhân COVID-19 từ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu đến khi hồi phục được một thời gian, sử dụng thông tin về mẫu máu, xét nghiệm dịch mũi cùng tiểu sử bệnh và báo cáo tự theo dõi triệu chứng của các bệnh nhân. Kết quả cho thấy sau 3 tháng, hơn một nửa số bệnh nhân cho biết vẫn cảm thấy mệt mỏi, 25% bị ho dai dẳng, trong khi những người khác có các triệu chứng về đường tiêu hóa.