Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo quan trọng đánh giá lạm phát bán lẻ, đã tăng từ mức 2,1% trong tháng 7 lên 2,3% trong tháng 8, ghi dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2. Con số này cũng cao hơn so với dự báo 2,1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra, nhưng vẫn thấp hơn mức trần 3% của Bắc Kinh.
Cụ thể giá thịt lợn tăng 6,5% so với mức của tháng 7, giá trứng tăng 12% và giá rau củ tăng 9%, còn giá ngũ cốc và giá dầu ăn vẫn ổn định.
Trong khi đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này, thước đo chi phí hàng hóa tại cổng nhà máy, đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn so với mức tăng 4,6% trong tháng 7.
Trong thời gian từ 1-8/2018, chỉ số PPI tăng 4% so với cùng giai đoạn năm trước đó. Giá nguyên vật liệu thô đã tăng 7,8% trong tháng Tám, so với mức tăng 9% trong tháng Bảy.
Trong các ngành công nghiệp, giá sản xuất trong khai thác khí đốt tự nhiên và dầu tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước, với sản lượng dầu, than và nhiên liệu khác ở mức 22,7%, còn chế biến kim loại đen tăng 9,5%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Ngoài 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này dự kiến sắp bị Mỹ áp thuế, chính quyền Washington có thể cân nhắc áp thuế thêm. Đáp lại, Bắc Kinh đã đánh thuế lên đậu tương Mỹ và cắt giảm các mặt hàng khác được nhập khẩu từ Mỹ.