Chế độ ăn kém dinh dưỡng gây hậu quả diện rộng trên thế giới

Gần 50% dân số thế giới hiện nay trong tình trạng dinh dưỡng kém vì ăn quá nhiều hoặc không đủ thức ăn. Đây là kết quả một báo cáo đánh giá toàn cầu về những tác động trên diện rộng với sức khỏe và Trái Đất của việc lựa chọn thực phẩm, được công bố ngày 23/11.

Chú thích ảnh
Trẻ em bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực tại khu vực ngoại ô Mogadishu, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu (GNR) là một khảo sát được thực hiện hằng năm, trong đó phân tích các dữ liệu mới nhất về dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe liên quan. Báo cáo chỉ ra 48% dân số toàn cầu hiện ăn quá ít hoặc quá nhiều, dẫn đến tình trạng nhẹ cân hoặc thừa cân, béo phì.

Nếu tình trạng hiện nay tiếp diễn, thế giới sẽ không thể đạt 8 trong số 9 mục tiêu dinh dưỡng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra cho đến năm 2025, trong đó có các mục tiêu như giảm tình trạng suy dinh dưỡng và thấp còi ở trẻ em và giảm béo phì ở người lớn.

Báo cáo ước tính gần 150 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị thấp còi, hơn 45 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng và gần 40 triệu trẻ bị thừa cân. Bên cạnh đó, hơn 40% người trưởng thành (tương đương 2,2 tỷ người) bị thừa cân hoặc béo phì.

Các kết quả nghiên cứu trên toàn cầu chỉ ra các chế độ dinh dưỡng trên thế giới vẫn chưa được cải thiện trong suốt 10 năm qua, gây ra mối đe dọa lớn với sức khỏe con người và với hành tinh.

Chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn độc lập của GNR, Renata Micha, cho biết số ca tử vong đáng lẽ có thể tránh được, do chế độ ăn kém dinh dưỡng đã tăng 15% kể từ năm 2010 và đây là nguyên nhân dẫn tới 1/4 số ca tử vong ở người trưởng thành.

Chú thích ảnh
Người dân lựa chọn thực phẩm tại một cửa hàng ở Los Angeles, bang California (Mỹ). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo GNR cũng chỉ ra người dân trên thế giới vẫn chưa sử dụng đủ lượng thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau và các loại hoa quả, đặc biệt là các nước thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, người dân ở các nước có thu nhập cao hơn lại có xu hướng tiêu thụ những thực thẩm có thể gây những tác động có hại tới sức khỏe như thị đỏ, các sản phẩm từ sữa và đồ uống có đường. Việc sử dụng những thực phẩm có hại cũng đang có xu hướng tăng, trong đó các loại thịt đỏ và thịt chế biến sẵn tăng gần 5 lần so với mức khuyến nghị tối đa nên ăn mỗi tuần.

Các tác giả báo cáo cho rằng hiện các mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu chưa đề cập đến chế độ ăn và khuyến nghị đưa ra các mục tiêu mới, toàn diện hơn. Báo cáo kêu gọi tăng cường đầu tư khẩn cấp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn cầu, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 ước tính sẽ khiến thêm 155 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực.

Theo báo cáo GNR, từ nay đến năm 2030, chi tiêu cho dinh dưỡng cần tăng khoảng gần 4 tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu hạn chế thấp còi, suy dinh dưỡng, thiếu máu sau sinh và các mục tiêu về nuôi con bằng sữa mẹ.

Lê Ánh (TTXVN)
Cảnh báo sự gia tăng các bệnh liên quan đến chế độ ăn có nhiều thịt đỏ
Cảnh báo sự gia tăng các bệnh liên quan đến chế độ ăn có nhiều thịt đỏ

Một nghiên cứu tiến hành tại 154 quốc gia cho thấy cùng với sự gia tăng buôn bán thịt đỏ và thịt đã qua chế biến trên toàn cầu, các bệnh mãn tính liên quan đến tiêu thụ loại thịt này cũng gia tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN