Đài RT dẫn nguồn tờ Yeni Şafak của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin ngày 16/5 rằng, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Israel qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu đang được coi là một giải pháp thay thế cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
"Khí đốt của Israel được coi là một lựa chọn, tuyến đường ống được lên kế hoạch vượt Thổ Nhĩ Kỳ, qua Đông Địa Trung Hải", tờ Yeni Şafak đưa tin, và nói thêm rằng, trong trường hợp có thỏa thuận như vậy, "dự kiến tàu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển”.
Theo trang Israel21, các quan chức Israel nói rằng đường ống dẫn dưới biển từ mỏ khí đốt Leviathan tới Thổ Nhĩ Kỳ có thể dài tới khoảng 550km với chi phí xây dựng khoảng 1,5 tỷ USD.
Tờ báo cũng nhấn mạnh rằng, “tập trung vào việc khoan nước sâu để khai thác dầu và khí tự nhiên từ biển, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào hoạt động đội tàu khoan thứ tư trong hạm đội của mình”.
Con tàu khoan mới, vốn rời Hàn Quốc vào ngày 7/3, dự kiến sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào 19/5. “Một con tàu thế hệ mới sẽ hoạt động ở Đông Địa Trung Hải, bắt đầu sứ mệnh đầu tiên vào tháng 7 sau hai tháng chuẩn bị, nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò và nạo vét biển sâu ở Địa Trung Hải”, tờ báo cho biết. Con tàu này có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 3.600 mét và có khả năng khoan sâu tới 12.200 mét.
Hồi tháng 3, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng một đường ống dẫn khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ-Israel đang được thảo luận ở hậu trường như một trong những lựa chọn thay thế của châu Âu cho năng lượng của Nga. Ý tưởng này vốn được hình thành lần đầu tiên cách đây nhiều năm, liên qua đến xây dựng một đường ống dẫn ngầm dưới biển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi lớn nhất của Israel là Leviathan. Khí đốt sẽ chảy qua Thổ Nhĩ Kỳ và đến Nam Âu với mục đích đa dạng hóa nguồn cung khỏi Nga.
Tuy nhiên, các quan chức trong ngành đã cảnh báo về những hạn chế trong sản xuất và các yếu tố địa chính trị có thể khiến kế hoạch này bị huỷ bỏ. Liban đã tuyên bố rằng mỏ khí đốt này mở rộng đến vùng biển của họ.
Cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine, được phát động vào ngày 24/2, có thể mở ra cánh cửa cho khí đốt của Israel. Vào ngày 8/3, EU đã trình bày kế hoạch REPowerEU, trong đó kêu gọi “đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt thông qua nhập khẩu LNG cao hơn và nhập khẩu đường ống từ các nhà cung cấp không phải của Nga”.
Trong khi châu Âu quyết định các chính sách năng lượng của mình để giảm sự phụ thuộc vào Nga, thì Israel vẫn tiếp tục hưởng lợi từ việc thăm dò khí đốt trong các vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Các mỏ khí đốt Leviathan và Tamar do Chevron điều hành đã hoạt động. Tháng trước, công ty khai thác và thăm dò dầu khí Energean thông báo rằng mỏ khí Karish của họ được kết nối với mạng lưới khí đốt của Israel và dự kiến khí sẽ bắt đầu được cung cấp cho người tiêu dùng vào cuối năm 2022.
Elai Rettig, chuyên gia về địa chính trị và an ninh năng lượng, Phó giáo sư nghiên cứu chính trị tại trường Đại học Bar-Ilan, cho biết: “Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong thị trường khí đốt toàn cầu mà chúng ta đang thấy ở châu Âu và châu Á. Bởi vì chúng tôi có nguồn cung cấp nội địa của riêng mình và một cuộc cạnh tranh đang diễn ra giữa ba giếng dầu này”.