Châu Âu đưa ra nhiều cam kết với Ukraine trong cuộc họp tại Kiev

Trong ngày 24/2, hàng loạt lãnh đạo châu Âu đã đến thủ đô Kiev và đưa ra nhiều cam kết ủng hộ Ukraine trong việc giải quyết cuộc xung đột tròn 3 năm với phía Nga.

Chú thích ảnh
Cờ Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo ông Anton Gerashchenko, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, hơn 13 nhà lãnh đạo châu Âu có mặt tại Kiev và 24 nhà lãnh đạo khác sẽ tham gia theo hình thức trực tuyến. Cuộc họp của các lãnh đạo châu Âu và Ukraine tập trung thảo luận về các đảm bảo an ninh cho Kiev và an ninh chung của toàn châu Âu.

“Hôm nay chúng ta ở Kiev, vì Ukraine là châu Âu. Hãy nói rõ ràng: một Ukraine tự do và có chủ quyền không chỉ vì lợi ích của châu Âu, đó cũng vì lợi ích của toàn thế giới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội X sau khi đặt chân đến Kiev

Tuy nhiên, cuộc họp trên đã không xuất hiện bất cử đại diện nào từ Mỹ. Đây được nhận định là thêm một tín hiệu đáng lo ngại cho cả Ukraine và châu Âu, đặc biệt là sau khi những cuộc đàm phán về xung đột Nga – Ukraine giữa Moskva và Washington được tổ chức nhưng không có sự tham gia của cả Kiev và Brussels.

Video hình ảnh các nhà lãnh đạo châu Âu đến Ukraine tham dự sự kiện tròn 3 năm cuộc chiến Nga - Ukraine vào ngày 24/2/2025. Nguồn: X

Trong khi đó, phát biểu trực tuyến, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết: “Chúng ta phải đưa sức mạnh tập thể của mình thúc đẩy nỗ lực hòa bình. Tổng thống Trump đã thay đổi cuộc đối thoại toàn cầu trong vài tuần qua và điều đó đã tạo ra một cơ hội”.

“Giờ đây, chúng ta phải đạt được những quyền cơ bản. Nếu chúng ta muốn hòa bình được duy trì, Ukraine phải có một chỗ ngồi tại bàn đàm phán, và bất kỳ giải pháp nào cũng phải dựa trên một Ukraine có chủ quyền được hỗ trợ bởi các bảo đảm an ninh mạnh mẽ”, ông tiếp tục nói.

Ông cũng nhắc lại đề nghị của Anh về việc gửi quân đội tới Ukraine cùng với các nước châu Âu khác nhằm hỗ trợ một thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của nước này đối với Ukraine và tư cách thành viên NATO của nước này. “Và không cần phải nói thì ai cũng biết rằng không có vấn đề gì nên được đàm phán mà không có Ukraine, không chỉ tại bàn đàm phán mà còn ở vị trí trung tâm của bàn đàm phán”, bà nói thêm.

Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nhấn mạnh rằng sẽ không thể chấm dứt chiến tranh nếu Ukraine không tiếp tục là trung tâm của mọi cuộc đàm phán hòa bình. “Rõ ràng là cuộc chiến tàn khốc này phải chấm dứt. Càng sớm càng tốt. Và giống như bất kỳ cuộc chiến nào, nó phải kết thúc tại bàn đàm phán, với tất cả các bên liên quan ngồi vào bàn. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nó không được kết thúc như một nền hòa bình bị áp đặt – và tôi không tin điều đó sẽ xảy ra”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thì cho biết rằng người dân Ukraine có thể tin tưởng vào Tây Ban Nha và đảm bảo với châu Âu rằng Madrid sẽ kiên quyết ủng hộ các kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen đã ra tuyên bố chung về cuộc họp trên. Nội dung tuyên bố nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính bao gồm cả việc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Châu Âu đã thực hiện các hành động chưa từng có ở cấp độ EU để tăng cường sản xuất công nghiệp quốc phòng châu Âu và sẽ tiếp tục tăng năng lực của mình. Điều này sẽ cho phép châu Âu tăng cường hỗ trợ quân sự và hợp tác với Ukraine đồng thời củng cố khả năng sẵn sàng phòng thủ và chủ quyền châu Âu.

Trong ngày 24/2, EU cũng đã áp đặt gói trừng phạt mới đối với Nga. Đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Kaja Kallas cho biết đây là gói trừng phạt toàn diện nhất từ trước đến nay, với mục tiêu hạn chế khả năng duy trì xung đột của Nga. Các biện pháp lần này bao gồm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nhôm, tăng cường giám sát đội tàu chở dầu, đồng thời cấm xuất khẩu một số hóa chất, crom và các vật liệu được sử dụng trong thiết bị cơ khí chính xác.

Trong một bài viết trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho biết: “Đầu tư vào chủ quyền của Ukraine chính là đầu tư vào việc ngăn ngừa các cuộc chiến tranh trong tương lai”.

Bên cạnh tới Ukraine nhóm họp, một số lãnh đạo của châu Âu cũng có các công du tới Mỹ để trực tiếp trao đổi với Tổng thống Donald Trump và các đại diện của Mỹ nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine và NATO. Động thái trên diễn ra sau khi các quan chức Mỹ đưa ra nhiều phát biểu trong vài tuần qua, làm lung lay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lâu đời giữa Mỹ và Châu Âu.

Trong khi Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski đã gặp người đồng cấp là Mỹ Marco Rubio vào cuối tuần trước thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lịch trình gặp Tổng thống Trump trong ngày 24/2. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng dự kiến ​​sẽ có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng vào ngày 27/2.

Ngày 23/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng tuyên bố sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của 27 nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 6/3 để thảo luận về Ukraine. “Chúng ta đang sống trong thời điểm quyết định đối với an ninh Ukraine và châu Âu”, ông Costa viết trên mạng xã hội.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Kyiv Post)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN