Phát biểu với báo giới, ông Marco Cavaleri, phụ trách chiến lược vaccine tại EMA, cho biết ủy ban cố vấn của cơ quan này có thể bắt đầu triển khai quy trình đánh giá nhanh dữ liệu về thuốc trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông Cavaleri nhấn mạnh việc này chỉ được thực hiện nếu dữ liệu đáp ứng điều kiện để bắt đầu quy trình.
Tuần trước, Merck & Co tuyên bố sẽ thúc đẩy Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir sớm nhất có thể, đồng thời thông báo hoàn thành sớm giai đoạn thử nghiệm do những kết quả tích cực mà loại thuốc này đem lại. Theo Merck & Co, Molnupiravir có thể hỗ trợ giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện và tử vong đối với những trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Hiện Merck & Co đang lên kế hoạch đăng ký tiếp thị Molnupiravir với các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm, lương thực và công nghệ y tế Argentina (ANMAT) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, quyết định trên được đưa ra sau khi đội ngũ chuyên gia của ANMAT xem xét và đánh giá các kết quả thử nghiệm lâm sàng, cũng như những hiệu quả thực tế tại các nước đã cấp phép như Mỹ, Canada, Anh, Israel và Liên minh châu Âu (EU). Quyết định này được cho là sẽ giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi từ 12-17, được triển khai từ cuối tháng 9 vừa qua tại Argentina.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua khoản cho vay 500 triệu USD để hỗ trợ Argentina thực hiện hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine của Moderna và 20 triệu liều của Pfizer. Tháng 7 vừa qua, Argentina đã tiếp nhận lô vaccine viện trợ gồm 3,5 triệu liều của Moderna và dự kiến sẽ được dùng để tiêm cho trẻ vị thành niên.
Đến nay, khoảng 65% dân số Argentina đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 50% đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng.