Kênh truyền hình RT dẫn báo cáo từ PwC, Rabobank và hãng đầu tư Temasek cho biết châu Á đang phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu lương thực – thực phẩm qua các chuỗi cung ứng từ Mỹ, châu Âu và châu Phi.
“Nếu đầu tư này không cụ thể hóa, chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp này sẽ phải vật lộn để theo kịp nhu cầu tiêu thụ, dẫn đến hậu quả nguồn thực phẩm nghèo nàn hơn cho dân số châu Á”, báo cáo trên giải thích. Theo dự đoán, chi tiêu dành cho thực phẩm sẽ tăng gấp đôi mốc 4.000 tỷ USD hiện nay vào năm 2030.
Bản báo cáo “Các số liệu thống kê và xu hướng chính trong thương mại quốc tế” cũng cho hay nhìn chung, một số nước ở Mỹ Latinh, Đông Phi và Nam Á vẫn là các nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, trong khi đa số những quốc gia còn lại ở châu Á và châu Phi là các nước nhập khẩu thực phẩm ròng.
Đáng lưu ý, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng đặt thêm gánh nặng cho khu vực châu Á bởi việc gây thâm hụt nguồn cung cũng như biến động giá cả. Lượng đất trồng trọt tính trung bình cho mỗi người dân châu Á dự kiến sẽ giảm 5% vào năm 2030.
Ông Richard Skinner – người đứng đầu các hoạt động và chiến lược của PwC tại châu Á-Thái Bình Dương – đánh giá những yếu tố trên đã vẽ nên một bức tranh ảm đảm về tương lai ngành lương thực của châu Á. Trả lời kênh CNBC, ông Skinner nói: “Nếu không giải quyết thực trạng này, chúng ta sẽ rơi vào tình thế xấu trong 10 năm tới”.
Ông cho rằng ngành công nghiệp lương thực của châu Á cần đầu tư 800 tỷ USD trong thập kỷ kế tiếp cho công nghệ và đổi mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thực phẩm.