Trong bài viết đăng trên tạp chí Science, nhóm nhà nghiên cứu của Israel và Anh đã khám phá ra ngôn ngữ của con người, vốn nổi bật với các yếu tố lặp lại theo các mẫu tần suất nhất định, lại có mối liên hệ với các bài hát phức tạp mà cá voi lưng gù truyền tải.
Các nhà ngôn ngữ học, nhà khoa học, nhà sinh vật biển học và các nhà sinh thái học hành vi, đã phân tích dữ liệu bài hát của cá voi lưng gù trong 8 năm. Mẫu phân tích được họ thu thập tại New Caledonia, phía Tây Nam Thái Bình Dương.
Thông qua việc áp dụng các phương pháp lấy cảm hứng từ cách trẻ sơ sinh học từ vựng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các cấu trúc trong bài hát của cá voi tương tự như những cấu trúc được tìm thấy trong ngôn ngữ của con người.
Đáng chú ý, họ còn nhận thấy các yếu tố lặp lại trong bài hát của cá voi theo tần số chênh lệch, một đặc điểm chưa từng thấy ở bất kỳ loài động vật nào.
Hơn nữa, nghiên cứu phát hiện ra rằng, cá voi lưng gù, giống như trẻ sơ sinh, có thể học bài hát của chúng bằng cách theo dõi sự thay đổi giữa các yếu tố âm thanh và sử dụng các điểm giảm âm trong đó để phân đoạn bài hát.
Các phát hiện trên đã chỉ ra điểm tương đồng sâu sắc giữa cá voi và con người, đồng thời nêu bật tiềm năng của việc nghiên cứu quá trình tiến hóa hội tụ, góp phần hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa của ngôn ngữ, không chỉ thông qua các loài linh trưởng mà còn trên nhiều loài khác.