Theo trang The Guardian (Anh), tàu Titan được xác định mất tích ngoài khơi Bắc Mỹ trên vùng biển thuộc Đại Tây Dương. Con tàu do công ty OceanGate Expedition điều hành. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết tàu lặn đã bị mất liên lạc khoảng 1 giờ 45 phút, sau khi bắt đầu hành trình thám hiểm xác tàu Titanic vào chiều hôm 18/6.
Cấu tạo tàu lặn Titan
Titan là tàu lặn nghiên cứu và khảo sát, có thể chở 5 người, thường là một người lái tàu và 4 chuyên gia có thể bao gồm các nhà khảo cổ học, nhà sinh học biển hoặc bất kỳ du khách nào có đủ khả năng trải nghiệm.
Theo nhà điều hành OceanGate, tàu Titan được làm bằng titan và sợi carbon, dài 6,7 mét, nặng 10.432 kg, tương đương với khoảng 6 chiếc ô tô cỡ trung bình và có khả năng lặn ở độ sâu 4.000 mét.
Con tàu sử dụng 4 động cơ đẩy điện để di chuyển và được trang bị một camera, đèn chiếu sáng và máy quét để khám phá môi trường xung quanh. Cửa vòm ở mặt trước tàu đóng vai trò như cửa ra vào, đồng thời là khung nhìn lớn nhất trong số các tàu lặn sâu có người lái. OceanGate cho biết công nghệ hiện đại trên tàu cung cấp “tầm nhìn vô song” về đại dương sâu thẳm.
Tàu Titan cũng sử dụng công nghệ vệ tinh Starlink để liên lạc. Không rõ liệu đây có phải là nguyên nhân khiến tàu bị mất liên lạc hay không.
Công ty OceanGate cho biết vào tuần trước: “Không có bất kỳ tháp di động nào ở giữa đại dương, chúng tôi dựa vào Starlink để cung cấp thông tin liên lạc trong suốt chuyến thám hiểm Titanic năm nay".
Theo ông David Concannon, cố vấn của OceanGate, con tàu có nguồn cung ôxy đủ dùng trong 96 giờ, tính từ khoảng 6 giờ sáng 18/6 (theo giờ địa phương). Theo lý thuyết, lượng ôxy này sẽ đủ duy trì đến sáng 22/6. Tuy nhiên, thời gian này còn phụ thuộc vào nhịp thở của những người bên trong tàu, đặc biệt nếu hành khách trên tàu có ít kinh nghiệm lặn sẽ thở dốc vì hoảng sợ.
Giả thuyết về nguyên nhân tàu lặn mất tích
Vẫn còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân khiến tàu Titan mất tích, nhưng các chuyên gia đã đưa ra một số tình huống có thể xảy ra nhất, như tàu bị mắc kẹt trong đống đổ nát của xác tàu Titanic, mất điện hay hệ thống liên lạc của tàu lặn gặp sự cố.
Xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800 mét dưới đáy đại dương, bao quanh là các mảnh vỡ sau thảm họa cách đây hơn một thế kỷ.
Ông Frank Owen OAM - quan chức Hải quân Hoàng gia Australia đã nghỉ hưu, Giám đốc dự án thoát hiểm và cứu nạn tàu ngầm - cho biết: “Có nhiều mảnh vỡ ngổn ngang khắp mọi nơi. Điều đó vô cùng nguy hiểm”.
Ông Owen cho biết tàu Titan đã mất liên lạc vào khoảng 1 giờ 45 phút sau khi bắt đầu hành trình thám hiểm. Điều này cho thấy các thành viên trong khoang có thể đã ở rất gần hoặc ở dưới đáy đại dương. Tàu Titan có tốc độ tối đa là 3 hải lý/giờ, nhưng càng lặn sâu thì tốc độ càng chậm.
Trong trường hợp tàu bị mắc kẹt, mất điện hoặc mất liên lạc, Titan sẽ thả các vật nặng mang theo tàu để khiến tàu nổi lên mặt nước. Ngoài ra, tàu này cũng có một loạt các tín hiệu, ánh sáng, gương phản xạ và các thiết bị khác có thể sử dụng một lần để phát tín hiệu cầu cứu trên mặt nước.
Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm đến nay chưa nhận được bất cứ tín hiệu cầu cứu nào từ Titan.
Ông Alistair Greig, Giáo sư kỹ thuật hàng hải tại Đại học College London (Anh), nhận định kịch bản khác có thể xảy ra đó là thân tàu bị hư hại, khiến nước tràn vào trong khoang.
“Nếu Titan chìm xuống đáy biển và không thể tự nổi lên mặt nước, các lựa chọn có thể thực hiện rất hạn chế”, ông Greig nói. “Tàu lặn có thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng nếu nó nằm ngoài thềm lục địa, rất ít phương tiện có thể tiếp cận độ sâu đó và chắc chắn thợ lặn không thể tiếp cận được”.
Ông Chris Parry, chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu của Hải quân Hoàng gia Anh, nói với Sky News rằng cuộc giải cứu dưới đáy biển là “hoạt động vô cùng khó khăn”.
Các giải pháp tìm kiếm
Chuẩn đô đốc John Mauger thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ, người giám sát hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tàu Titan, cho biết máy bay của Mỹ và Canada, cũng như các tàu lớn đang tìm kiếm con tàu, nhưng công việc này rất phức tạp vì không rõ liệu con tàu đã nổi lên hay chưa, nghĩa là họ phải tìm kiếm cả trên mặt biển và cả dưới đáy đại dương.
Ông Concannon cho biết các quan chức đang tìm cách đưa một phương tiện điều khiển từ xa (ROV) có thể đạt độ sâu 6.000 mét đến khu vực này nhanh nhất có thể.
ROV thường được thả từ tàu mặt nước, có cáp kết nối, cho phép người điều khiển chủ động điều hướng và tiếp nhận hình ảnh, dữ liệu sóng âm từ phương tiện theo thời gian thực. Tuy nhiên, với số lượng mảnh vỡ Titanic rất nhiều, nhóm tìm kiếm sẽ cần thời gian để xác định vật thể hiển thị là mảnh vỡ hay tàu Titan.
Ông David Pogue – phóng viên của CBS News, người từng tham gia thám hiểm Titanic trên tàu Titan năm 2022 – cho biết những người trong tàu lặn Titan đã bị khoá chặt với ít nhất 17 chốt khoá cố định. Theo ông, cách duy nhất để đưa họ ra ngoài là tìm và mở con tàu ra.
“Không có cách nào để người bên trong tự thoát ra mà không có người bên ngoài hỗ trợ, ngay cả khi tàu nổi lên mặt nước”, ông nói.
Video bên trong tàu lặn OceanGate Expedition vừa mất tích trong chuyến thám hiểm Titanic (Nguồn OceanGate):