Vụ đắm tàu ​​​​Hy Lạp: Có 100 em nhỏ dưới hầm tàu, hơn 100 người sống sót đều là đàn ông

Nhân chứng sống sót cho biết có tới 100 em nhỏ ở dưới hầm tàu khi thảm kịch xảy ra. Những người sống sót đến nay đều là nam giới, trong khi cảnh sát Hy Lạp đánh giá có khoảng 500 người mất tích, gồm cả phụ nữ trẻ em.

Chú thích ảnh
Hình ảnh con tàu nhồi chặt người do Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cung cấp ngày 14/6/2023. 

Theo tờ Guardian, những người sống sót sau thảm kịch đắm tàu ở ngoài khơi bờ biển Hy Lạp ngày 14/6 cho biết, nhiều phụ nữ và trẻ em đã ở trên tàu, với khoảng 100 em nhỏ bị nhồi dưới hầm tàu. Đây được cho là một trong những thảm họa tồi tệ nhất ở Địa Trung Hải trong những năm gần đây.

Cho đến nay, 78 người được xác nhận là đã chết, nhưng có những lo ngại rằng số nạn nhân có thể lên tới hàng trăm người. Cơ hội tìm thấy thêm người sống sót lúc này được đánh giá là rất thấp.

Nicolaos Spanoudakis, một thanh tra cảnh sát Hy Lạp, cho biết: “Hiện tại mọi thứ chỉ là phỏng đoán nhưng chúng tôi đang nghiên cứu với giả định rằng có tới 500 người đang mất tích. Có vẻ như phụ nữ và trẻ em đã bị nhốt”.

Các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Kalamata nói với truyền thông Hy Lạp rằng những người sống sót cho biết có khoảng 100 trẻ em đã ở dưới hầm tàu. Một phóng viên từ kênh ANT1 của Hy Lạp cũng phỏng vấn một nhân chứng và được xác nhận là có khoảng 100 trăm em trên tàu khi xảy ra bi kịch.

Nhà chức trách Hy Lạp cho biết đến nay toàn bộ 104 người sống sót đều là nam giới trong độ tuổi từ 16 đến 40. Hầu hết họ ở lại qua đêm trong một nhà kho ở cảng. “Họ đến từ Afghanistan, Pakistan, Syria và Ai Cập”, ông Giorgos Farvas, Phó Thị trưởng Kalamata cho biết. “Chúng tôi đang nói về hầu hết những người đàn ông trẻ tuổi, những người đang trong tình trạng bị sốc tâm lý nặng nề và kiệt sức. Một số đã ngất đi khi bước xuống khỏi tấm ván từ những con tàu đã đưa họ đến đây.”

Các quan chức cho biết khoảng 30 người được điều trị tại bệnh viện vì viêm phổi và kiệt sức nhưng không nguy hiểm tính mạng, và một số đã được xuất viện.

 
Chú thích ảnh
Những người sống sót trong thảm kịch đều là nam giới ở độ tuổi thanh niên, trung niên, trong khi số mất tích bao gồm nhiều phụ nữ, trẻ em. Ảnh: AP 

Vào tối 15/6 (theo giờ địa phương), chính quyền Hy Lạp thông báo đã bắt giữ 9 kẻ buôn người bị tình nghi là đã điều khiển tàu trước khi nó chìm ngoài khơi phía nam Peloponnese.

Kênh Skai TV đưa tin rằng 9 người - đều là nam giới - là người gốc Ai Cập và bị tình nghi chủ mưu chuyến hành trình bất hợp pháp của chiếc tàu đánh cá đưa hàng trăm người từ Ai Cập đến Italy.

Nikos Alexiou, phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp, nói với Guardian: “Họ đang bị giam giữ và sẽ trình diện trước thẩm phán địa phương".

Một công tố viên có khả năng sẽ đưa ra một số cáo buộc chống lại nhóm nghi phạm, bao gồm cả tội giết người hàng loạt. Các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin thuyền trưởng của con tàu không nằm trong số đó và đã chết khi tàu đắm.

Bà Erasmia Roumana thuộc cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc đã mô tả thảm họa này là "thực sự khủng khiếp" và nói thêm rằng những người sống sót đang ở trong tình trạng tâm lý rất tồi tệ. “Nhiều người bị sốc, họ quá hoảng loạn”, bà Roumana nói với các phóng viên tại cảng Kalamata, “Nhiều người lo lắng về thân nhân, bạn bè đi cùng”.

Chú thích ảnh
Một người sống sót bị thương từ tàu đắm được đưa ra xe cứu thương ở cảng Kalamata vào ngày 14/6/2023. Ảnh: AP 

Các báo cáo cho thấy có tới 750 người đã được nhồi nhét lên chiếc tàu đánh cá bị lật và chìm vào sáng sớm ngày 14/6 cách thị trấn ven biển Pylos (miền nam Hy Lạp) khoảng 80 km trong khi con tàu đang bị lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp theo dõi.

“Tàu đánh cá dài 25-30 mét. Boong của nó chật cứng người và chúng tôi cho rằng bên trong cũng đầy người như vậy”, một phát ngôn viên của lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cho biết.

Động cơ của chiếc tàu được cho là đã ngừng hoạt động ngay trước nửa đêm 14/6 và nó bị lật sau đó. Các chuyên gia của lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết sự di chuyển của những người bên trong tàu có thể đã khiến nó bị lật. Không ai trên tàu được cho là mặc áo phao.

Chú thích ảnh
Sơ đồ hành trình của con tàu đánh cá từ Tobruk, Libya nhằm hướng Italy, nhưng bị đắm gần Kalamata, Hy Lạp. Nguồn: AP 

Chính phủ lâm thời của Hy Lạp đã kêu gọi để ba ngày quốc tang, và chiến dịch tranh cử trước cuộc bỏ phiếu vào 25/6 tạm bị đình chỉ.

Sáng sớm ngày 15/6, một tàu bảo vệ bờ biển đã đi vào Kalamata, chở theo các nạn nhân thiệt mạng.

Tàu cá từ chối giúp đỡ trước thảm kịch

Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết một máy bay giám sát từ cơ quan Frontex của Châu Âu đã phát hiện ra chiếc thuyền vào ngày 13/6, nhưng các quan chức cho biết những người trên chiếc thuyền, vốn khởi hành từ cảng Tobruk của Libya, đã liên tục từ chối lời đề nghị giúp đỡ.

Người phát ngôn của lực lượng bảo vệ bờ biển, Nikos Alexiou, nói với Skai TV: “Đó là một chiếc thuyền đánh cá chở đầy người đã từ chối sự giúp đỡ của chúng tôi vì họ muốn đến Italy. Chúng tôi đã theo sát họ để phòng họ cần giúp đỡ, nhưng họ đã từ chối”.

Một công tố viên cấp cao của Hy Lạp ngày 15/6 đã tiếp quản việc giám sát cuộc điều tra về vụ việc. Ông Alexiou giải thích rằng con thuyền cũng có thể bị lật nếu lực lượng bảo vệ bờ biển cố gắng ngăn nó lại mà không có sự hợp tác của thủy thủ đoàn và hành khách.

Tranh cãi về trách nhiệm

Tuy nhiên, Alexis Tsipras, lãnh đạo phe đối lập cánh tả, cho biết trong chuyến thăm cảng Kalamata rằng những người sống sót nói với ông rằng họ đã “kêu cứu”. Ông này chỉ trích: “Loại giao thức nào lại không kêu gọi giải cứu một chiếc thuyền quá tải sắp chìm?”

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Tsipras (cầm quyền từ 2015 đến 2019 khi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu lên đến đỉnh điểm) đã đổ lỗi cho chính sách di cư của châu Âu. Ông nói: “Có những trách nhiệm chính trị rất lớn. Chính sách nhập cư mà châu Âu đã tuân theo trong nhiều năm qua biến Địa Trung Hải, vùng biển của chúng ta, thành những nấm mồ ngập nước”.

Quyền bộ trưởng di cư Hy Lạp, Daniel Esdras, nói với đài truyền hình ERT rằng nước này sẽ xem xét yêu cầu tị nạn của những người sống sót nhưng những người không được bảo hộ sẽ được gửi về nước.

Các hoạt động tìm kiếm dự kiến ​​sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là sáng 16/6, theo các nguồn tin chính phủ. Họ cho biết cơ hội trục vớt con tàu bị chìm là rất thấp vì khu vực xảy ra tai nạn nằm ở vùng biển quốc tế nước rất sâu.

Nikos Spanos, cựu Đô đốc lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp, nói: “Cơ hội tìm thấy thêm người còn sống là rất ít. Chúng tôi đã từng thấy những chiếc thuyền đánh cá cũ như thế này từ Libya. Chúng hoàn toàn không đủ khả năng đi biển. Nói một cách đơn giản, chúng là những chiếc quan tài nổi.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Guardian)
Hy Lạp bắt giữ 9 nghi can liên quan vụ chìm tàu
Hy Lạp bắt giữ 9 nghi can liên quan vụ chìm tàu

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp ngày 15/6 đã bắt giữ 9 nghi can liên quan đến vụ tai nạn tàu chở người di cư ngoài khơi Hy Lạp vào sớm 14/6, khiến ít nhất 78 người. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN