Bằng tình yêu và lòng nhiệt huyết, vợ chồng ông Salgado gần như đã hoàn thành việc tái tạo khu rừng Atlantic với nỗ lực trồng hàng triệu cây xanh trong suốt 20 năm qua.
Sebastião Salgado và vợ ông, bà Lélia Deluiz Wanick Salgado, đã thành lập Viện Terra vào năm 1998.
Sau khi tới công tác tại Rwanda, châu Phi, chứng kiến sự tàn bạo khủng khiếp của nạn diệt chủng, nhiếp ảnh gia danh tiếng người Brazil trở về với nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Trong khoảng thời gian đó, ông hoàn toàn mất niềm tin vào nhân loại. Cha mẹ ông Salgado khuyên vợ chồng ông về trang trại cũ ở quê nhà với hy vọng thiên đường bình dị này sẽ giúp ông chữa lành tổn thương tâm lý, tìm thấy niềm an ủi khi sống giữa rừng. Tuy nhiên, khi trở về nhà, ông Salgado đã thấy cảnh vật nơi đây không còn như những gì trong ký ức.
Ông Salgado sinh ra và lớn lên trong một trang trại rộng 1.747 hecta ở bang Minas Gerais (Brazil), cách bờ biển Đại Tây Dương 112 km. Ông nhớ lại rằng, khi chỉ còn là một cậu bé, khu rừng Atlantic xanh ngắt bao phủ một nửa trang trại gia đình ông và một nửa thung lũng Rio Doce.
Ông Salgado chia sẻ với báo Anh The Guardian: “Vùng đất này cũng tồi tệ như tôi lúc đó vậy, mọi thứ đã bị phá hủy. Chỉ khoảng 0,5% diện tích đất có cây xanh bao phủ”.
Giống như những người nông dân khác ở Brazil, cha của ông Salgado cũng đã chặt phá rừng để lấy gỗ, trồng cỏ châu Phi để nuôi gia súc.
Ông Salgado và vợ đã quyết định hồi sinh tất cả những gì đã mất cho khu rừng này.
Nhiếp ảnh gia người Brazil nhớ lại: “Sau đó, vợ tôi đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời là trồng lại khu rừng này. Chúng tôi bắt đầu trồng cây xanh và sau đó côn trùng, chim muông đã quay trở lại nhờ vào sự phát triển của cây xanh. Chính tôi cũng như được tái sinh – đó là khoảnh khắc quan trọng nhất”.
Sau khi thành lập Viện Terra, vợ chồng ông Salgado đã mời kỹ sư Renato de Jesus, người điều hành các chương trình phục hồi rừng cho công ty khai thai thác mỏ Brazil, về viện để nghiên cứu. Sau đó, ông Salgados thuê 20 công nhân dùng tay và công cụ thô sơ nhổ bỏ loại cỏ châu Phi xâm lấn.
Ông Salgado nhận được 100.000 cây con từ vườn ươm Vale và tận dụng danh tiếng nhiếp ảnh gia quốc tế của mình để xin các khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ và các tổ chức trên toàn thế giới.
Ông nói: “Giống như nuôi một đứa trẻ, bạn cần phải dạy chúng đi, dạy nói và sau đó chúng mới có thể tự đến trường. Cây cối cũng vậy, bạn cần phải trồng và chăm sóc chúng”.
Đối với ông Salgado, sự phục hồi của rừng Atlantic ở thung lũng Rio Doce là một trận chiến với ông. Sau lần trồng đầu tiên, 3/5 số cây con chết. Nhưng không nản chí, vợ chồng ông kiên quyết tìm cách chống lại các loài xâm lấn bằng cách sử dụng mồi kiến để xua đuổi côn trùng ăn lá cây. Cuối cùng, công việc khó khăn của họ đã mang lại kết quả. Số cây con chết giảm dần và đến năm 2002, Viện Terra đã có vườn ươm cây giống riêng.
Video khu rừng Atlantic đầy cây xanh (nguồn: Viện Terra):
Đem lại sự sống cho một khu rừng không hề là một công việc dễ dàng, đặc biệt khi bạn hoạt động không vì lợi nhuận. Ngoài các khoản đóng góp từ quỹ của chính phủ quốc gia, các tổ chức và công ty tư nhân, thì vợ chồng ông Salgado thường xuyên phải bỏ tiền túi để đảm bảo dự án được tiếp tục.
Năm 2005, khi Viện Terra đang rất cần tiền, ông Salgado thậm chí phải bán đấu giá chiếc máy ảnh Leica M7 - vật kỷ niệm bên ông suốt 50 năm - với giá 107.500 USD để trồng 30.000 cây xanh.
So với quy mô của những khu rừng ở Brazil hay các khu rừng những nơi khác, khu bảo tồn Terra chỉ rất bé nhỏ, nhưng đây chính là bằng chứng cho thấy không bao giờ là quá muộn để bắt đầu khôi phục lại tất cả những thiệt hại mà chúng ta gây ra cho môi trường.